image banner
CẦN ĐƯỚC CHỦ ĐỘNG PHÒNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG MÙA TỰU TRƯỜNG

Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 10.196 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023). Tại Cần Đước, nhờ triển khai thực hiện các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng, tính đến 31-8-2024, số ca mắc và số ổ dịch tay chân miệng đều giảm: số ca bệnh giảm 34,5% (203 ca so với 273 ca cùng kì năm 2023), giảm 07 ổ dịch (10 ổ dịch so với 17 ổ dịch cùng kì năm 2023).

Tuy tình hình kiểm soát bệnh có dấu hiệu khả quan nhưng ngành Y tế Cần Đước phối hợp với Trường học các cấp trên địa bàn huyện khuyến cáo cha mẹ không nên chủ quan, nhất là đối với các hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi. Đầu năm học là cao điểm của bệnh tay chân miệng, nguy cơ lây truyền cao khi trẻ sinh hoạt tập thể tại các cơ sở giáo dục mầm non. Việc tuân thủ nghiêm túc các qui định vệ sinh, phòng bệnh là yếu tố tiên quyết mang lại hiệu quả phòng dịch như mỗi em dùng khăn riêng; cho trẻ ăn chín, uống chín, không dùng chung chén muỗng, thường xuyên lau sạch các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi bị nhiễm bẩn bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường ít nhất 1 lần trong ngày và giữ vệ sinh các khu vực xung quanh.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần lưu ý, người thân trong gia đình là người mang mầm bệnh từ bên ngoài về lây truyền cho trẻ. Vì vậy, phụ huynh cần tránh ôm hôn, ẵm bồng trẻ khi vừa về nhà từ bên ngoài, tuân thủ việc rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ. Vệ sinh khuôn viên, khử khuẩn nhà cửa, làm sạch đồ chơi của trẻ thường xuyên.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa từ nước bọt, phân của trẻ nhiễm bệnh, dịch từ bỏng nước. Người chăm sóc trẻ cần theo dõi sát sức khỏe của trẻ để phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh. Khi thấy trẻ bị sốt và xuất hiện các mụn rộp (mụn nước) ở bàn tay, bàn chân hoặc miệng, trẻ ngủ giật mình chới với chính là biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng. Cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời tránh biến chứng nặng như viêm não, biến chứng tim mạch, suy hô hấp có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài các biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm y tế huyện củng cố qui trình khám và điều trị bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, địa phương cũng tăng cường phối hợp liên ngành y tế - giáo dục kiểm tra, giám sát viêc thực hiện phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, công tác xử lý, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học đặc biệt là các trường mầm non để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng. Các bên cũng phối hợp xây dựng quy chế giám sát, báo cáo phản hồi ca bệnh tay chân miệng trong học sinh cho ngành y tế và ngược lại.

Nguyễn Ngọc Đan Tuyền

Thông báo
 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1