image banner
Sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc của bạn có tốt?

“Ưu tiên Sức khỏe Tâm thần tại nơi làm việc” là chủ đề của ngày sức khoẻ tâm thần thế giới 10-10-2024. Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm Thần Long An – Bác sĩ (bs.) chuyên khoa cấp I tâm thần Trần Minh Thư có những chia sẻ với phóng viên về Sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc.

Phóng viên (PV): Xin bác sĩ cho bạn đọc biết thế nào là Sức khỏe tâm thần (SKTT)?

Bs. Trần Minh Thư: Theo tổ chức Y tế thế giới, SKTT là trạng thái hạnh phúc trong đó 1 cá nhân nhận ra khả năng của chính mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường của cuộc sống, có thể làm việc hiệu quả và có thể đóng góp cho cộng đồng.

Sức khỏe tâm thần được gọi là bệnh lý tâm thần khi các dấu hiệu và triệu chứng bệnh thường xuyên gây căng thẳng và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Bệnh lý tâm thần là bệnh lý do rối loạn hoạt động não bộ gây ra biến đổi bất thường về lời nói, tác phong, tình cảm, hành vi, ý thức… Các bệnh lý tâm thần điển hình bao gồm: rối loạn lo âu, trầm cảm, tâm thần phân liệt, hành vi gây nghiện và rối loạn ăn uống.

PV: Bác sĩ có thể chia sẻ về tầm quan trọng của Sức khỏe tâm thần?

Bs. Trần Minh Thư: Sự thay đổi nhanh chóng của cuộc sống hiện đại tạo nên nhiều áp lực đối với tinh thần, nếu chúng ta không biết cân bằng thì rất dễ mắc các bệnh về rối loạn tâm thần.

SKTT khỏe mạnh là nền tảng đem lại cuộc sống vui vẻ hạnh phúc, tinh thần thoải mái, tự tin trong đời sống hàng ngày, đầy sự sáng tạo, có những ý tưởng mới mẻ và chất lượng, không bị mắc các chứng bệnh về tâm lý, tâm thần con người. SKTT đóng vai trò rất quan trọng đối với mỗi con người, vì vậy hãy luôn chú trọng chăm sóc và cải thiện tâm thần tốt hơn, suy nghĩ tích cực dễ dàng tìm ra giải pháp sẵn sàng đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.

PV: Sức khỏe tâm thần không tốt có thể gây nên những thiệt hại gì thưa bác sĩ?

Bs. Trần Minh Thư: Trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có khoảng 12 tỉ ngày làm việc bị mất do trầm cảm và lo lắng, gây thiệt hại 1.000 tỉ USD mỗi năm về năng suất lao động. Tại Việt Nam, theo thống kê Bộ Y tế, có khoảng 15% người bị rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm và rối loạn lo âu chiếm vị trí hàng đầu.

Đặc biệt, phụ nữ gặp vấn đề về SKTT gấp đôi nam giới. Tuy nhiên có đến 71% không tiếp cận được các dịch vụ SKTT và có đến 90% phụ nữ Việt chọn cách âm thầm chịu đựng, không cầu cứu.

Bên cạnh đó, việc điều trị tâm lý hiện nay thường chỉ liên quan đến thuốc, trong khi các phương pháp khác như tư vấn hoặc tâm lý trị liệu thì chưa được phát triển đầy đủ và chi phí lại đắt đỏ so với thu nhập người dân Việt Nam.

PV: Tại sao chúng ta cần quan tâm đến SKTT nơi làm việc thưa bác sĩ?

Bs. Trần Minh Thư: Theo thống kê năm 2023, hiện có hơn 60% dân số toàn cầu đang làm việc. Công việc giúp con người có thu nhập, phát triển nhân cách, được thoả mãn nhu cầu tự thể hiện, được kết nối với xung quanh, tạo nên những giá trị cuộc sống.

Môi trường làm việc có tác động rất lớn đến SKTT của con người: một môi trường an toàn, lành mạnh đóng vai trò là yếu tố bảo SKTT; ngược lại, môi trường làm việc không lành mạnh như bị kỳ thị, phân biệt đối xử, bị quấy rối hay điều kiện làm việc tồi tệ sẽ ảnh hưởng đến SKTT, chất lượng cuộc sống nói chung và năng suất làm việc.

Trong các môi trường làm việc có nhịp độ nhanh, nhân viên thường gặp phải các yếu tố gây căng thẳng như khối lượng công việc nặng nề, sự không chắc chắn trong công việc và việc mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Những thách thức cho thấy tầm quan trọng để xây dựng một lực lượng lao động khỏe mạnh và hiệu quả.

PV: Có những dấu hiệu nào cho thấy SKTT đang “có vấn đề” thưa bác sĩ?

Bs. Trần Minh Thư: Các dấu hiệu cảnh báo vấn đề SKTT đó là bạn thường xuyên cảm thấy: mất hứng thú hoặc niềm vui trong các hoạt động yêu thích, cảm thấy buồn hoặc lo lắng, cảm giác tội lỗi, vô dụng hoặc bất lực, cảm giác vô vọng về tương lai, hạ thấp giá trị bản thân, rối loạn giấc ngủ mệt mỏi và thiếu năng lượng, khó tập trung, ghi nhớ chi tiết hoặc đưa ra quyết định, những thay đổi về cân nặng, xuất hiện ý nghĩa làm tổn thương bản thân hoặc tự tử.

PV: Chúng ta cần làm gì để bảo vệ SKTT của mình thưa bác sĩ?

Bs. Trần Minh Thư: Để bảo vệ SKTT, mỗi người nên dành thời gian để tự chăm sóc bản thân, nuôi dưỡng cảm xúc và chăm chỉ rèn luyện sức khỏe thể chất. Đầu tiên là đi bộ hoặc chạy bộ 30 phút mỗi ngày là đủ để duy trì cường độ vận động trung bình của cơ thể.

Tiếp theo là ăn uống lành mạnh, hạn chế sử dụng các chất kích thích, uống đủ nước. 

Thứ ba là chăm sóc chất lượng giấc ngủ. Ngoài việc ngủ đủ giấc từ 7 – 8 giờ mỗi ngày, trước khi ngủ ta nên tắt bớt đèn, không xem tivi, điện thoại 30 phút trước khi ngủ vì ánh sáng xanh của các thiết bị này gây ảnh hưởng và làm gián đoạn giấc ngủ.

Bên cạnh đó, để ngủ ngon hơn, bạn hãy thư giãn cơ thể và tâm trí với các hoạt động như ngồi thiền, nhớ về những kỷ niệm vui trong ngày, đọc sách, viết nhật ký,…

PV: Xin cảm ơn bác sĩ.

Anh-tin-bai

Trong xã hội hiện đại ngày nay, một trong những vấn đề cấp bách nhất ảnh hưởng đến SKTT ở nơi làm việc là mệt mỏi, kiệt sức.

THANH BÌNH 

Thông báo
 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement  

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1