Là hai vấn đề được đề cập đến trong chủ đề của Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển năm 2024 từ 16 đến 23-10-2024 “Tăng cường tiếp cận đa dạng thực phẩm, giàu dinh dưỡng để đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cho tất cả mọi người”.
An ninh lương thực (ANLT) là tình trạng khi tất cả mọi người lúc nào cũng tiếp cận được về mặt vật lí, xã hội và kinh tế đối với nguồn lương thực đầy đủ, an toàn và dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sở thích ăn uống nhằm đảm bảo một cuộc sống năng động và khoẻ mạnh. Điều này có nghĩa là thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, an toàn và được chấp nhận về mặt xã hội và văn hóa.
Thực phẩm là nhu cầu cơ bản thứ ba của con người sau không khí và nước. Mọi người đều có quyền có đủ lương thực và đều có một vai trò để đảm bảo mọi người đều có quyền có đủ lương thực. Chính phủ, khu vực tư nhân, nông dân, giới học thuật, xã hội dân sự và các cá nhân cần phải hợp tác cùng nhau để đảm bảo có nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng, giá cả phải chăng, dễ tiếp cận, an toàn và bền vững hơn nhằm đạt được an ninh lương thực và chế độ ăn uống lành mạnh cho tất cả mọi người.
Phó Trưởng khoa phụ trách Dinh dưỡng – An toàn thực phẩm (Viện Y tế Công cộng TP.HCM) - Tiến sĩ Vương Ngọc Thùy cho biết, trên thế giới hiện có 3,1 tỷ người – gần 40% dân số thế giới dân số - không có khả năng chi trả cho một bữa ăn lành mạnh. Trong khi có tới 828 triệu người bị đói thì có 1 trong người 8 người lớn bị béo phì, một vấn đề ngày càng gia tăng ở tất cả các khu vực trên thế giới. Hơn 80% số người nghèo cùng cực sống ở khu vực nông thôn. Trên toàn cầu, phụ nữ có nguy cơ bị mất ANLT cấp độ vừa và nặng cao hơn 15% so với đàn ông.
An ninh dinh dưỡng xem xét giá trị dinh dưỡng, khả năng chi trả, khả năng tiếp cận và an toàn của thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe. Chất lượng chế độ ăn uống là mối liên hệ quan trọng giữa ANLT và dinh dưỡng. Chất lượng chế độ ăn uống kém có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau bao gồm suy dinh dưỡng và thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, cũng như thừa cân và béo phì.
Ngay cả khi các hộ gia đình được tiếp cận với đủ lượng lương thực, thực phẩm và năng lượng vẫn có thể thiếu vi chất dinh dưỡng thiết yếu, làm tăng nguy cơ về sức khỏe cả trước mắt và lâu dài. Các can thiệp nhằm giải quyết chất lượng chế độ ăn uống và thiếu các vi chất dinh dưỡng như vitamin A, kẽm, sắt là rất quan trọng để đạt được an ninh lương thực và dinh dưỡng đầy đủ trong các quần thể dễ bị tổn thương.
Chiến lược ANLT, thực phẩm và Chiến lược Quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ triển khai các biện pháp để làm giảm đáng kể tình trạng mất ANLT và cải thiện dinh dưỡng trong nước trong 10 năm tới bao gồm: Đảm bảo sẵn có lương thực, thực phẩm đủ số lượng thực phẩm với chất lượng thích hợp, cung cấp thông qua sản xuất trong nước; Tăng cường khả năng tiếp cận nguồn thực phẩm lành, an toàn, đa dạng và giàu chất dinh dưỡng; Đảm bảo cung cấp thực phẩm ổn định; Sử dụng thực phẩm thông qua chế độ ăn uống đầy đủ, nước sạch, vệ sinh và chăm sóc sức khỏe để đạt được một trạng thái dinh dưỡng cũng là nơi mà tất cả nhu cầu sinh lý được đáp ứng; Có kế hoạch đối phó trong trường hợp khẩn cấp như thiên tai, thảm họa để cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân thông qua hệ thống dự trữ quốc gia, khi mà không thể mua sắm, cung cấp vật phẩm thiết yếu thông qua thương mại bình thường.

Những buổi hướng dẫn thực hành nấu ăn dinh dưỡng là rất quan trọng và cần thiết.
Nguyễn Thị Thu Hương