03/06/2024
Vị thành niên Việt Nam đang đối đầu với lo lắng, trầm cảm
Vị thành niên chiếm khoảng 14,5% dân số Việt Nam, tương đương với gần 14 triệu người từ 10-19 tuổi. Mặc dù độ tuổi vị thành niên thường được coi là giai đoạn khỏe mạnh của cuộc đời nhưng rối loạn tâm thần là nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật ở vị thành niên trên toàn cầu và có thể gây ra những hậu quả xã hội và sức khỏe lâu dài. Tỷ lệ rối loạn tâm thần trong vị thành niên ở Việt Nam cũng chưa được biết đến nhiều.
Việc xác định tỷ lệ của các rối loạn tâm thần cũng như đo lường các nguy cơ tiềm ẩn cũng như yếu tố bảo vệ là điều cần thiết để phòng ngừa hiệu quả, cung cấp thông tin cho việc xây dựng các chính sách sức khỏe tâm thần và lập kế hoạch nguồn lực hiệu quả cho sức khỏe tâm thần vị thành niên.
Cuộc điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên ở Việt Nam được thực hiện với kết quả phỏng vấn 5.996 cặp cha mẹ-vị thành niên, diễn ra từ tháng 9/2023 đến tháng 12/2023, với sự tham gia của 127 điều tra viên thực hiện việc thu thập dữ liệu ở 38 tỉnh, thành phố.
Kết quả điều tra cho thấy, lo lắng là vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất (18,6%), tiếp theo là trầm cảm (4,3%) ở vị thành niên.
Trong 12 tháng qua, chỉ 8,4% vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho các vấn đề về cảm xúc và hành vi.
Chỉ 6,5% vị thành niên đã tiếp cận các dịch vụ này trong 12 tháng qua và hơn 1 nửa (50.8%) chỉ được tiếp cận 1 lần.
Chỉ 5,1% cha mẹ xác định rằng vị thành niên của họ cần được giúp đỡ với các vấn đề về cảm xúc và hành vi trong 12 tháng qua, mặc dù 21,7% thanh thiếu niên đã gặp phải vấn đề sức khỏe tâm thần trong cùng thời kỳ.
Đại dịch COVID -19 đã ảnh hưởng tới cuộc sống vị thành niên với 7,7% vị thành niên cho biết họ thường gặp ít nhất một vấn đề về cảm xúc hoặc hành vi nhiều hơn bình thường trong thời gian đại dịch COVID -19.
Từ kết quả điều tra trên cho thấy, mức độ phổ biến các vấn đề sức khỏe tâm thần trong vị thành niên ở Việt Nam là một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được các nhà lập kế hoạch và hoạch định chính sách quan tâm.
Theo các chuyên gia xã hội học, để giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần vị thành niên ở Việt Nam, các kế hoạch sức khỏe tâm thần quốc gia trong tương lai cần xem xét những nhu cầu cụ thể của vị thành niên bên cạnh những kế hoạch rộng hơn cho người lớn.
Cha mẹ và gia đình chính là nguồn hỗ trợ khả dĩ nhất cho những trẻ vị thành niên có nhiều lo lắng và các mối bận tâm. Việc thiết kế các chiến lược để nâng cao hiểu biết về sức khỏe tâm thần, giảm kỳ thi và nâng cao nhận thức về các dịch vụ sẵn có cho các gia đình có thể hỗ trợ con em có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Lê Thị Nghiêm - Trung tâm Y tế Tân Thạnh