image banner
Vẫn còn người tử vong do bệnh Dại

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, bệnh thường lây nhiễm từ động vật như chó, mèo sang người thông qua các vết cắn, cào, liếm vết thương. Tại Việt Nam, bệnh Dại đang tiếp tục có xu hướng gia tăng sau đại dịch Covid-19. Năm 2022, cả nước ghi  nhận 70 trường hợp mắc bệnh, năm 2023 tiếp tục có 82 trường hợp tử vong vì bệnh dại và tính đến 25/8/2024, cả nước đã có 65 trường hợp tử vong ở 31/63 tỉnh/thành, tăng 10% so với cùng kì năm 2023. Bên cạnh đó, số người bị chó, mèo và các loài động động vật khác cắn lên tới 700.000 người mỗi năm, gây tổn thất lớn về tính mạng, sức khỏe tinh thần và kinh tế của người dân.

Để nâng cao nhận thức của cộng đồng và chính quyền các cấp, giảm thiểu các ca tử vong do bệnh Dại gây ra, giảm thiểu người bị tai nạn do động vật cắn, đồng thời hướng tới mục tiêu khống chế và loại trừ bệnh Dại vào năm 2030, Tổ chức Y tế Thế giới phát động hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống bệnh Dại lần thứ 18 vào ngày 28-9-2024 với chủ đề “Chung tay phá vỡ rào cản – phòng chống bệnh Dại”.

Bệnh Dại ở người hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách tiêm ngừa Dại định kỳ cho vật nuôi (chó, mèo,…) là nguồn lây bệnh Dại chính cho con người. Đồng thời, những người có nguy cơ mắc bệnh Dại cũng cần tiêm ngừa chủ động căn bệnh này (người giết mỗ chó, mèo; người chăn nuôi chó, mèo; bác sĩ thú y; cán bộ thú y; người bắt chó mèo thả rong,…).

Người bị chó mèo quào, cắn, liếm vào vết thương hở cũng cần được xử lý vết thương đúng cách và đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm ngừa. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là nhóm bị tử vong vì bệnh Dại nhiều nhất. Nguyên nhân chính là do chủ quan như nghĩ chó mèo nhà nuôi không bị bệnh Dại, vết thương không sâu không chảy máu nên chắ sẽ không bị lây bệnh Dại,… Bên cạnh đó cũng có người lên cơn Dại vì không chịu đi tiêm ngừa do sợ tốn tiền, đến khi xuất hiện cơn Dại thì đã không còn cách cứu chữa.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An – Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Hữu Dũng cho biết: Bệnh Dại là bệnh viêm não, tuỷ cấp tính gây ra do virus, gặp ở động vật có máu nóng. Virus Dại có trong nước bọt, nước tiểu, dịch não tuỷ, … Nhiều nhất ở não, cuống não, hạch thần kinh, đáy sọ, tiểu não. Nó cũng có ở một số bộ phận khác như cơ, xương, cơ tim, tuỷ thượng thận, thận, tụy tạng. Chó là nguồn lây bệnh cho 99% ca tử vong. 

Để phòng ngừa bệnh Dại, Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng khuyến cáo: Đầu tiên đó là nhanh chóng xử lý vết thương. Ngay sau khi bị cắn, nạn nhân hãy rửa thật kỹ vết thương bằng xà phòng với nước sạch ít nhất 15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70%, dung dịch iode … để giảm lượng virus tại nơi xâm nhập. Cũng không làm dập nát thêm vết thương như cố nặn máu, tự rạch vết thương, không  may kín vết thương và không băng kín.

Sau khi sơ cứu vết thương thì nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, tiêm ngừa và tư vấn cách điều trị. Tuyệt đối không được chủ quan là chó nhà nuôi, hay chó con. Các biện pháp dân gian như đắp lá cây, đi lấy nọc… đều không thể phòng ngừa được bệnh Dại.

Tuỳ theo tình trạng con vật, vị trí, số lượng, tình trạng vết thương... bác sĩ sẽ chỉ định dùng vắc xin và huyết thanh kháng dại phù hợp để điều trị dự phòng bệnh Dại.

Anh-tin-bai

Người dân huyện Đức Huệ đưa vật nuôi tới tiêm phòng dại tại Trung tâm Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đức Huệ.

Thanh Bình

Thông báo
 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement  

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1