image banner
Quá trình hình thành và phát triển của chính sách BHYT

Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - Nguyễn Thế Mạnh, những năm 80, ở nước ta, tình hình chăm sóc y tế cho nhân dân nói chung và người lao động nói riêng tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) lâm vào tình trạng thiếu kinh phí hoạt động. Trong hoàn cảnh đó, một số địa phương đã mạnh dạn tháo gỡ khó khăn trong công tác KCB bằng cách vận động, quyên góp trong nhân dân dưới nhiều hình thức khác nhau như: Quỹ Bảo hiểm sức khỏe ở Hải phòng, Quỹ KCB nhân đạo ở Vĩnh Phú, Quỹ BHYT tự nguyện ở Bến Tre, Quảng Trị hay Quỹ Khám chữa bệnh ngành đường sắt…

Đầu năm 1990, sau khi thực hiện một số mô hình thí điểm, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã trình Dự thảo Pháp lệnh BHYT lên Hội đồng Nhà nước. Sau khi cân nhắc thực tế điều kiện kinh tế - xã hội, Hội đồng Nhà nước đã quyết định giao Hội đồng Bộ trưởng thí điểm BHYT trên diện rộng. Từ cơ sở đó năm 1992, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 299-HĐBT ngày 15/8/1992 về việc ban hành điều lệ BHYT, khai sinh ra chính sách BHYT ở Việt Nam.

Sau 2 năm thực hiện Nghị định, hệ thống tổ chức BHYT từ Trung ương đến địa phương đã hình thành với sự quản lý của BHYT Việt Nam, trực thuộc Bộ Y tế. Năm 2002, Chính phủ ban hành Quyết định 20/2002/QĐ-TTg chuyển BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam. Kể từ đây 2 chính sách An sinh xã hội quan trọng là BHXH, BHYT thống nhất thực hiện từ Trung ương xuống địa phương, theo mô hình một quỹ quốc gia.

Đặc biệt, ngày 14/11/2008, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm Y tế, có hiệu lực từ ngày 01/7/2009. Luật BHYT ra đời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT, hướng tới thực hiện BHYT toàn dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chính sách xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Trên cơ sở đó, ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg lấy ngày 01 tháng 7 hàng năm là Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam. Sự kiện này thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, tạo điều kiện để tất cả người dân được chăm sóc sức khỏe thông qua chính sách BHYT.

Ngày BHYT Việt Nam hằng năm là dịp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp sức thực hiện tốt Luật BHYT với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, vì an sinh đất nước. Mỗi năm đến Ngày BHYT Việt Nam, là một lần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHYT - chế độ bảo hiểm của Đảng và Nhà nước nhằm chăm sóc sức khỏe Nhân dân, được Nhà nước bảo hộ, do cơ quan BHXH tổ chức thực hiện không vì mục đích lợi nhuận.

Tham gia BHYT mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi không may đau ốm đau, bệnh tật. Người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán số tiền KCB không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng trong năm. Qua đó, BHYT đã giúp nhiều người có thẻ BHYT vượt qua những khó khăn về kinh tế. BHYT còn mang ý nghĩa nhân đạo cộng đồng sâu sắc vì khi mọi người cùng nhau tham gia BHYT, người khỏe sẽ hỗ trợ cho người bệnh. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Anh-tin-bai

Ảnh: Khám chữa bệnh bằng BHYT tại TTYT Đức Huệ.

Thu Hương TTYT ĐỨC HUỆ

Thông báo
 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement  

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1