image banner
Nhiều vắc xin cần tiêm ở mỗi giai đoạn của cuộc đời

Việc phát triển vắc xin toàn cầu trong nửa sau thế kỷ 20 là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại. Để bạn đọc có thêm thông tin về việc tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh, phóng viên có buổi trò chuyện với Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An – Bác sĩ (Bs) chuyên khoa II Huỳnh Hữu Dũng.

Phóng viên (PV): Xin bác sĩ vui lòng cho biết lợi ích của việc tiêm chủng vắc xin?

Bs. Huỳnh Hữu Dũng: Vắc xin dùng để tiêm ngừa cho người nhằm tạo ra miễn dịch chủ động bảo vệ chống lại một căn bệnh cụ thể. Tiêm ngừa là biện pháp dự phòng an toàn để ngừa mắc bệnh, ngừa tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cả trẻ em và người lớn với chi phí thấp nhất nhưng mang lại hiệu quả cao nhất. Trong vòng 50 năm qua, vắc xin đã cứu sống gần 154 triệu người, tương đương với hơn 3 triệu người mỗi năm, trên toàn cầu.

PV: Thưa bác sĩ, Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam đã có những thành tựu gì sau 40 năm triển khai?  

Bs. Huỳnh Hữu Dũng: Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới khởi xướng, thành lập vào năm 1974 nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vắc xin công bằng để bảo vệ, cứu sống trẻ em trên toàn cầu.

Việt Nam triển khai Chương trình TCMR Quốc gia vào năm 1981, với mục tiêu đảm bảo rằng tất cả trẻ em ở mọi miền đất nước đều được tiếp cận với vắc xin phòng bệnh. Tiêm chủng đã bảo vệ hàng triệu trẻ em tại Việt Nam khỏi nhiều loại bệnh tật trong suốt hơn 40 năm qua. Số trẻ em tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin đã giảm đáng kể đó đến nay.

Với hàng triệu trẻ em được tiêm chủng kể từ khi triển khai chương trình TCMR, Việt Nam đã thanh toán được bệnh đậu mùa vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, bệnh bại liệt được thanh toán vào năm 2000, uốn ván sơ sinh được thanh toán năm 2005,… và giảm đáng kể số ca bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin như sởi, bạch hầu, ho gà và viêm não Nhật Bản,…

PV: Hiện nay Long An đang có những loại vắc xin phòng những bệnh nào thưa bác sĩ?

Bs. Huỳnh Hữu Dũng: Tính đến tháng 3/2024 có 12 loại vắc xin được sử dụng  trong Chương trình TCMR, tập trung vào phòng các bệnh truyền nhiễm cơ bản trong những năm đầu đời của trẻ. Tuy nhiên hiện nay Việt Nam có đến hơn 40 loại vắc xin phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà mỗi người cần được phòng ngừa ở mỗi giai đoạn của cuộc đời.

Các loại vắc xin đang được sử dụng trong Chương trình TCMR gồm: vắc xin phòng bệnh viêm gan B, Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, rubella, sởi, viêm não Nhật Bản, tả ở vùng có nguy cơ cao, thương hàn ở vùng có nguy cơ cao. Hiện tại các Trạm Y tế trên địa bàn tỉnh Long An đang có đầy đủ các loại vắc xin này để tiêm ngừa cho trẻ theo đúng lịch tiêm chủng khuyến cáo.

Bên cạnh đó còn có các loại vắc xin tiêm dịch vụ cho những người vì lý do nào đó mà không tiêm trong Chương trình TCMR hoặc muốn tiêm nhắc lại, bao gồm: lao, viêm gan A, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, bại liệt, tiêu chảy do vi rút rota, viêm màng não do não mô cầu, cúm mùa, sởi, viêm não Nhật Bản, rubella, quai bị, thủy đậu, ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư vòm họng, mụn cóc sinh dục do HPV, dại, uốn ván, tả, thương hàn, sốt vàng, các bệnh xâm lấn do Hib, các bệnh do phế cầu khuẩn.

Và sắp tới đây sẽ triển khai vắc xin Qdenga phòng sốt xuất huyết. Vắc xin ngừa sốt xuất huyết do Takeda sản xuất, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ ngày 15-5-2024. Đây là vắc xin ngừa sốt xuất huyết đầu tiên được lưu hành tại Việt Nam.

PV: Để phát huy tối đa hiệu quả phòng bệnh của vắc xin thì mọi người phải làm gì thưa bác sĩ?

Bs. Huỳnh Hữu Dũng: Đó là tuân thủ lịch tiêm vắc xin. Đặc biệt là với trẻ trong Chương trình TCMR vì nếu bị trễ lịch tiêm hoặc không được tiêm ngừa trẻ sẽ không được vắc xin bảo vệ tối ưu trong những năm tháng đầu đời và có nguy cơ cao đối mặt với nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là vào mùa cao điểm dịch bệnh.

Trẻ cũng cần có các mũi tiêm nhắc lại vì đối với một số vắc xin sau khi tiêm đủ liều cơ bản thì kháng thể chỉ có tác dụng bảo vệ trong một thời gian nhất định. Khi lượng kháng thể này giảm đi, có thể không có khả năng bảo vệ trước sự tấn công của mầm bệnh. Vì vậy cần tiêm nhắc để hệ miễn dịch được tăng cường sức bảo vệ.

Ngoài ra, người lớn khỏe mạnh cũng có thể có nguy cơ mắc các bệnh khác do công việc, lối sống, du lịch hoặc tình trạng sức khỏe của bản thân. Do vậy mọi người hãy tuân thủ khuyến cáo về lịch tiêm của từng loại vắc xin.

PV: Ngoài trẻ em và phụ nữ mang thai thì bác sĩ có khuyến cáo tiêm chủng vắc xin cho các nhóm đặc biệt nào khác?

Bs. Huỳnh Hữu Dũng: Có 5 nhóm người cần được quan tâm tiêm ngừa một số bệnh đã có vắc xin.

Một là vị thành niên. Người từ 11 đến 18 tuổi dễ nhạy cảm với nhiều loại bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, môi trường học tập thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, bản tính hiếu động nên vị thành niên dễ bị lây nhiễm bệnh từ người khác.

Hai là nhóm tiền hôn nhân cũng cần được tiêm ngừa vì người chồng, người vợ ở giai đoạn trước và trong thời gian mang thai có thể bị lây một số bệnh truyền nhiễm và đứa con có thể bị lây truyền hoặc bị ảnh hưởng bởi các bệnh này. Ngoài ra, nhiều vắc xin không được tiêm cho người mang thai.

Ba là phụ nữ có thai. Trong các bệnh truyền nhiễm có một số bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và sự phát triển của thai nhi dẫn đến khả năng thai chết lưu, xảy thai hoặc con sinh ra bị dị dạng.

Bốn là Người cao tuổi và người mắc bệnh nền. Khi tuổi càng cao, nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng càng cao. Những người mắc bệnh mãn tính  như tiểu đường, tim mạch, bệnh về phổi thì khả năng chống chọi bệnh tật kém, dễ mắc nhiều biến chứng nặng, bệnh nặng hơn và kéo dài, phải nhập viện, thậm chí tử vong.

Năm là người đi du lịch và di cư. Đây là những người có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng, trong đó có thể có những bệnh mới do tiếp xúc với nguồn bệnh trong quá trình đi du lịch hoặc đến nơi có lưu hành dịch.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ.

Anh-tin-bai

Trẻ em nên được bảo vệ bằng Chương trình Tiêm chủng mở rộng

Anh-tin-bai

Có nhiều loại vắc xin nên tiêm nhắc và tiêm mới khi bạn đến tuổi trưởng thành.

THANH BÌNH thực hiện

Thông báo
 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement  

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1