image banner
Ghi nhận nhiều bệnh nhân Ho gà dưới 3 tháng tuổi

Theo số liệu báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM về tình hình bệnh truyền nhiễm tại khu vực phía Nam, trong 5 tháng đầu năm 2024, số ca ho gà đang gia tăng với 40 ca bệnh, trong đó ghi nhận 67,5% số ca bệnh ở nhóm trẻ dưới 3 tháng tuổi và 75,7% số ca bệnh chưa tiêm hoặc chưa đến tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh. Phóng viên có buổi trao đổi với Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An – Bác sĩ (Bs.) chuyên khoa II. Huỳnh Hữu Dũng về cách phòng căn bệnh này. 

Phóng viên (PV):  Thưa bác sĩ, Ho gà có phải là bệnh thường gặp ở nước ta?

Bs. Huỳnh Hữu Dũng: Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xảy ra ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh. Dịch có tính chu kỳ khoảng 3-5 năm.

Ở Việt Nam, bệnh ho gà lưu hành ở mọi nơi trong cả nước. Khi chưa thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), bệnh Ho gà thường xảy ra và phát triển thành dịch ở nhiều địa phương. Từ năm 1986, Chương trình TCMR được phát triển rộng khắp trong cả nước, tất cả trẻ dưới 1 tuổi được tạo miễn dịch cơ bản bằng 4 liều vắc xin bạch hầu- ho gà- uốn ván (vắc xin DTaP). Sau nhiều năm tiêm vắc xin DTaP, tỷ lệ mắc và chết của bệnh Ho gà đã giảm rất rõ rệt.

PV: Người mắc bệnh Ho gà có những triệu chứng gì thưa bác sĩ?

Bs. Huỳnh Hữu Dũng: Các triệu chứng Ho gà thường xuất hiện trong vòng 7-10 ngày sau khi nhiễm bệnh. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn.

Cơn Ho gà rất đặc trưng, thể hiện người bệnh ho rũ rượi từng cơn liên tục, kéo dài không thể kìm hãm được. Sau cơn ho có lúc ngừng thở, tím tái, thở rít như tiếng gà gáy. Người bệnh bị nôn ói sau cơn ho, ban đầu nôn thức ăn, rồi đến nước dãi trong suốt, người bệnh mệt bơ phờ, mình đẫm mồ hôi và thở gấp.

PV: Người mắc bệnh ho gà sẽ có nguy cơ gặp những nguy hiểm gì thưa bác sĩ?

Bs. Huỳnh Hữu Dũng: Bệnh Ho gà dẫn đến những biến chứng như: suy hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, thiếu oxy não, viêm não, xuất huyết kết mạc, thậm chí dẫn đến ngừng thở và gây tử vong nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng. Đa phần trường hợp bệnh nặng tập trung ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi.

Trong khi đó, người lớn bị Ho gà thường xuất hiện các triệu chứng ho không quá đặc biệt khiến lầm tưởng là những đợt ho thông thường và trở thành nguồn lây nhiễm chính cho trẻ nhỏ trong nhà. Tính lây truyền của bệnh rất cao, ngay sau khi bị phơi nhiễm với giọt nước miếng của bệnh nhân, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học… Tỷ lệ mắc bệnh trong số những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân trong cùng gia đình từ 90-100%. Do đó, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị là rất quan trọng.

PV: Mọi người cần làm gì để phòng bệnh Ho gà, đặc biệt là cho trẻ nhỏ thưa bác sĩ?

Bs. Huỳnh Hữu Dũng: Bệnh Ho gà đã có vắc xin phòng bệnh và được triển khai trong chương trình TCMR, với lịch tiêm bắt đầu từ lúc trẻ đủ 2 tháng tuổi. Để chủ động phòng, chống bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Ho gà đầy đủ, đúng lịch. Mũi thứ 1 tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất 1 tháng, mũi thứ 3 tiêm sau mũi thứ hai 1 tháng, mũi thứ 4 tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

Vì lý do nào đó mà trẻ bị trễ lịch tiêm ngừa bệnh Ho gà thì gia đình cần mang trẻ đi tiêm sớm nhất ngay khi có thể. Hiện tại các Trạm Y tế trong toàn tỉnh đều đảm bảo đủ vắc xin để phòng các bệnh trong Chương trình TCMR cho trẻ.

PV: Thế nhưng hiện tại chúng ta đang ghi nhận nhiều trẻ mắc Ho gà khi chưa tròn 3 tháng tuổi. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này thưa bác sĩ?

Bs. Huỳnh Hữu Dũng: Đối với trẻ khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh Ho gà sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ. Do đó để bảo vệ trẻ không bị Ho gà khi chưa đủ tuổi tiêm chủng thì miễn dịch thụ động được thừa hưởng từ mẹ - kháng thể của mẹ truyền qua nhau thai - là rất cần thiết.

Tiêm chủng 1 liều vắc xin phối hợp phòng bệnh uốn ván - bạch hầu - ho gà cho mẹ ở mỗi lần mang thai, tốt nhất là trong khoảng thời gian từ tuần thứ 27 - 36 của thai kỳ giúp bảo vệ người mẹ khỏi bị nhiễm và lây bệnh Ho gà cho con, đồng thời cung cấp kháng thể phòng bệnh Ho gà bảo vệ trẻ những tháng đầu đời khi chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ.

PV: Ngoài việc tiêm ngừa vắc xin Ho gà thì chúng ta cần làm gì khác để phòng căn bệnh này thưa bác sĩ?

Bs. Huỳnh Hữu Dũng: Tuy bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi nhưng vi khuẩn gây bệnh Ho gà có sức đề kháng rất yếu. Vi khuẩn sẽ bị chết trong 1 giờ dưới tác dụng của nhiệt độ, ánh sáng mặt trời trực tiếp hoặc thuốc sát khuẩn thông thường.

Bên cạnh việc tiêm vắc xin Ho gà đúng lịch, đủ mũi thì mỗi người cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh khác như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh Ho gà.

Nếu gia đình có người mắc bệnh, cần cách ly, sát trùng tẩy uế các đồ dùng bị nhiễm bẩn của bệnh nhân.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ.

Anh-tin-bai

Đối với những trẻ bị trễ lịch tiêm, cần mang trẻ đi tiêm ngừa sớm nhất khi có thể.

THANH BÌNH thực hiện

Thông báo
 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement  

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1