Theo Viện Sốt rét ký sinh trùng - côn trùng T.Ư, bệnh giun rồng do loại giun tròn Dracunculus medinensis gây ra. Khác với các loại giun sán khác sống trong ruột, giun rồng được phát hiện khi những con giun (có thể dài 70 - 120 cm) trồi lên từ mô dưới da qua các vết loét, đặc biệt ở vùng chân.
Bệnh giun rồng thuộc nhóm bệnh nhiệt đới và là bệnh ký sinh trùng được WHO hướng tới mục tiêu thanh toán trên phạm vi toàn cầu từ năm 1986. Tại Việt Nam, ca bệnh giun rồng đầu tiên được báo cáo vào tháng 4.2020. Hiện tại trong nước đã ghi nhận 24 ca mắc tại 5 tỉnh, thành gồm Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Lào Cai, Hòa Bình.
Loại ký sinh trùng này xâm nhập vào cơ thể con người qua nguồn nước bẩn có chứa Copepoda (chân chèo - động vật giáp xác nhỏ) mang ấu trùng giun. Khi con người uống phải nước nhiễm khuẩn, chân chèo bị tiêu diệt bởi axid dạ dày, giải phóng ấu trùng giun. Những ấu trùng này di chuyển vào khoang bụng, phát triển thành giun trưởng thành, sau đó giun cái tiếp tục di chuyển trong các mô dưới da, gây ra các tổn thương nghiêm trọng. Khoảng một năm sau khi nhiễm, giun cái sẽ gây ra một vài nốt sần trên da (thường ở chân). Khi người bệnh để chân tiếp xúc với nước, nốt sần vỡ ra, giun cái "phát tán" ấu trùng vào môi trường nước, khởi đầu cho một chu kỳ nhiễm mới.
Trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể gặp các dấu hiệu mơ hồ như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau nhức cơ, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường. Tuy nhiên, điểm đặc trưng của bệnh này là sự xuất hiện của các nốt sần, mụn nước trên da, thường gặp ở vùng chân. Sau một thời gian, các nốt này phát triển thành các bóng nước gây đau nhức, ngứa và nóng rát khiến người bệnh phải ngâm chân tay vào nước để làm dịu cơn đau.
Đáng lưu ý, phần lớn các bệnh nhân có chảy dịch từ nốt sưng tấy và có đầu giun chui ra từ nốt sưng tấy này. Khi thấy giun chui ra tại ổ sưng tấy, nên khéo léo bắt chúng bằng cách sử dụng một que tròn rồi lăn cuộn từ từ để kéo hết giun ra ngoài. Không cầm kéo mạnh hoặc chích rạch vết thương để lấy giun ra ngoài vì sẽ làm đứt, không thể lấy hết được ra. Nếu tự kéo giun ra nhưng làm đứt nửa chừng sẽ khiến ấu trùng và các chất độc giải phóng ra ngoài, lây lan theo đường đi của giun, dễ làm cho tình trạng viêm nhiễm trầm trọng hơn. Trong trường hợp viêm nhiễm nặng có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng huyết, viêm cứng khớp, áp xe do giun chết; hoặc uốn ván.
Các yếu tố liên quan đến nhiễm giun rồng bao gồm: ăn cá sống; ăn thịt ếch, nhái tái sống; ăn thịt rắn tái, sống; uống nước không sạch. Để phòng bệnh giun rồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái lưu ý, người bệnh mắc giun rồng cần thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng các dụng cụ trong chế biến thực phẩm chín và sống riêng biệt (thớt, dao, máy xay, …), đặc biệt là vệ sinh tay sau chế biến thực phẩm sống. Uống nước đun sôi, hạn chế ăn thức ăn sống, đặc biệt là thủy, hải sản.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường xung quanh và khu vực nhà ở. Không tiếp xúc với nguồn nước sạch cộng đồng để tránh giun cái phóng trứng ra ngoài môi trường nước, lây nhiễm cho mọi người. Rắc vôi bột hoặc cloramin B vào nước thải sinh hoạt trước khi thải ra môi trường.
Những người bệnh đang trong giai đoạn tiến triển của bệnh giun rồng không tắm, rửa tại ao hồ, tránh phát tán ấu trùng giun ra môi trường. Cần làm sạch vết thương, băng bó thường xuyên vùng da bị bệnh cho đến khi lấy hết hoàn toàn giun ra khỏi cơ thể.
Đầu và một phần thân giun rồng chui ra từ nốt mụn sưng tấy trên đùi của người bệnh tại Yên Bái (Nguồn: CDC Yên Bái)
Thanh Bình