Sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết
Trước khó khăn, thách thức trong những ngày đầu sau giải phóng, tình hình dịch bệnh hoành hành như dịch tả, thương hàn, sốt rét, bại liệt,... ngành Y tế tỉnh triển khai nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo nhằm bảo vệ và CSSK người dân.
Qua đó, góp phần cùng tỉnh vượt qua giai đoạn tái thiết đất nước trong bối cảnh thiết bị y tế, vật tư và nguồn dự trữ thuốc men, nguyên liệu cạn dần.
Ngành Y tế nỗ lực xây dựng đội ngũ thầy thuốc “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân
Nhắc lại những năm tháng gian khó ấy, nguyên Giám đốc Sở Y tế - Trung tá, Thầy thuốc Nhân dân Trần Tấn Tài cho biết: “Chiến tranh đã lùi xa nhưng tôi vẫn nhớ mãi về hoạt động của ngành Y tế giai đoạn đó. Đây là thời điểm khó khăn chồng chất khó khăn.
Lực lượng cán bộ y tế còn mỏng, trình độ chuyên môn được đào tạo gấp rút trong kháng chiến chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Thuốc men không đủ, thiếu thốn về phương tiện CSSK cho bệnh nhân”.
Với phương châm “Sức khỏe người dân là trên hết, trước hết”, ngành Y tế khẩn trương thành lập trạm vệ sinh phòng dịch tỉnh và các đội vệ sinh phòng dịch ở các huyện để khống chế dịch bệnh. Hệ thống y tế cũng được thiết lập.
Thời điểm đó, Bệnh viện (BV) Đa khoa Long An, tiền thân là BV dân, quân y phối hợp do chế độ trước xây dựng nhằm mục đích phục vụ chiến tranh và một phần dân cư địa phương với quy mô 200 giường bệnh.
Do cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nghèo nàn nên BV chỉ điều trị một số bệnh nhẹ, sơ cứu ban đầu, sau đó chuyển thương binh, bệnh binh lên tuyến trên điều trị.
Từ sự chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện tuyến trên, nhiều cơ sở y tế triển khai được các kỹ thuật mới giúp bệnh nhân giảm chi phí, thời gian điều trị
Sau năm 1975, BV được phát triển thành BV đa khoa. Đến năm 2002, BV có quy mô 400 giường bệnh, bao gồm 3 khu vực nằm rải rác ở 3 vị trí khác nhau: Khu Khám bệnh, Khu Điều trị và Khoa Nhi.
Đến năm 1997, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra chủ trương đầu tư xây dựng BV Đa khoa Long An mới với trang thiết bị hiện đại và phát triển đội ngũ thầy thuốc giỏi chuyên môn, giàu y đức để phục vụ sự nghiệp CSSK nhân dân tỉnh nhà.
Nhằm xóa những “vùng trắng” về y tế, ngành Y tế nỗ lực đưa cán bộ y tế về cơ sở. Trường Sơ cấp Y tế Long An được thành lập, thực hiện nhiệm vụ đào tạo nữ hộ sinh, y tá và dược tá sơ cấp.
Đến năm 1979, UBND tỉnh có quyết định thành lập Trường Trung học Y tế Long An trên cơ sở Trường Sơ cấp Y tế Long An.
Từ đây, Trường Trung học Y tế Long An bắt đầu “sứ mệnh” đào tạo đội ngũ y tá, y sĩ, điều dưỡng có y đức, tay nghề vững vàng, từng bước nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, CSSK nhân dân toàn tỉnh.
Giai đoạn 2020-2025, ngành Y tế đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận như thực hiện hiệu quả công tácphòng, chống dịch Covid-19; Trường Cao đẳng Y tế Long An được thành lập trên cơ sở Trường Trung cấp Y tế Long An, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực y tế; BV Đa khoa Long An đạt chuẩn BV từ hạng 2 lên hạng 1;...
|
Đổi mới toàn diện
Nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo ngành Y tế qua các thời kỳ nỗ lực không ngừng để xây dựng mạng lưới y tế và đội ngũ thầy thuốc “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) ngày càng cao của người dân.
Giám đốc Sở Y tế - bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Minh Phúc cho biết: “Đến nay, mạng lưới y tế ngày càng phát triển gồm 27 đơn vị y tế công lập và 5 đơn vị y tế tư nhân với 9,5 bác sĩ/ vạn dân.
Tổng nhân lực y tế công lập là 5.012, trong đó, có 1.669 bác sĩ. Trang thiết bị y tế hiện đại được quan tâm đầu tư để triển khai các kỹ thuật mới phục vụ điều trị. Nhờ đó, chất lượng KCB tại các cơ sở y tế trong tỉnh ngày càng nâng cao”.
Từ sự chuyển giao kỹ thuật của BV tuyến trên, nhiều cơ sở y tế triển khai được các kỹ thuật mới giúp bệnh nhân giảm chi phí, thời gian điều trị và góp phần giảm tải cho tuyến trên. Nổi bật trong đó là BV Đa khoa Long An thực hiện thành công mổ sọ não, thay khớp gối, thay khớp háng, phẫu thuật Phaco, đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, vĩnh viễn, chụp và can thiệp động mạch vành, chụp và can thiệp mạch máu ngoại biên, thông tim can thiệp bệnh tim bẩm sinh và cấu trúc,…
Ngoài ra, còn có phẫu thuật nội soi của các hệ ngoại, sản, tai - mũi - họng, nội soi kết hợp chẩn đoán và điều trị như nội soi tán sỏi ngược dòng, nội soi lấy dị vật,... Bên cạnh đó, BV còn đẩy mạnh chuyển đổi số nên công tác KCB ngày càng thuận lợi.

Các cơ sở y tế triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp, tạo thuận lợi cho người dân
Cùng với nâng cao chất lượng KCB, ngành Y tế còn đẩy mạnh chuyển đổi số để đổi mới toàn diện. Từ tháng 3-2023, 100% cơ sở KCB bảo hiểm y tế trên toàn tỉnh thực hiện KCB bằng căn cước công dân gắn chíp.
Trong năm 2024, số lượt sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp trong KCB đạt 88,14%. Tỷ lệ tra cứu thông tin thành công đạt 97,39%.
Bên cạnh đó, ngành cũng triển khai thu phí không dùng tiền mặt tại các cơ sở KCB công lập trong tỉnh. Đến nay, 100% cơ sở KCB công lập trong tỉnh áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt qua nhiều hình thức, đạt 30,06% kế hoạch UBND tỉnh giao (kế hoạch là 30%).
Bà Trần Thị Tươi (xã Tân Trạch, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Trước đây, khi đi KCB, tôi phải xuất trình nhiều giấy tờ, chờ đợi khá lâu để nhân viên y tế xác minh và nhập thông tin. Từ khi áp dụng dùng thẻ căn cước công dân gắn chíp vào KCB bảo hiểm y tế, tôi thấy cả người dân và nhân viên y tế đều tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm nhiều giấy tờ thủ tục. Tôi mong ngành Y tế tiếp tục có những cải tiến để nâng cao chất lượng KCB cho người dân”.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, ngành Y tế có những bước tiến dài. Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt, ngành Y tế tiếp tục củng cố y tế cơ sở, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, phát triển y tế dịch vụ chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Qua đó, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện tốt sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh nhà./.
Theo baolongan.vn