image banner
Tuân thủ các quy định về ATTP trong chế biến bánh trung thu

Để bánh Trung thu đến tay người tiêu dùng được đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) thì vai trò của các cơ sở sản xuất bánh và cơ sở kinh doanh bánh là rất quan trọng. Phóng viên có cuộc trao đổi với Quyền Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - BS. CKII. Trần Hoàng Sơn về những điều mà các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu cần lưu ý thực hiện.

Phóng viên (PV): Thưa ông, để những chiếc bánh trung thu đảm bảo ATTP thì các cơ sở sản xuất bánh cần thực hiện nghiêm túc những điều gì?

Ông Trần Hoàng Sơn: Theo phân công, phân cấp quản lý sản phẩm bánh trung thu thuộc phân cấp quản lý của ngành Công Thương, để đảm bảo ATTP trong sản xuất bánh trung thu, các cơ sở sản xuất cần tuân thủ theo Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy định cụ thể của Bộ Công Thương. Theo Luật An toàn thực phẩm, các cơ sở sản xuất cần đảm bảo các điều kiện:

 Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;

Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;

Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

Duy trì các điều kiện bảo đảm ATTP và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển thực phẩm cũng được được lưu ý. Việc vận chuyển thực phẩm phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

Phương tiện vận chuyển thực phẩm được chế tạo bằng vật liệu không làm ô nhiễm thực phẩm hoặc bao gói thực phẩm, dễ làm sạch;

Bảo đảm điều kiện bảo quản thực phẩm trong suốt quá trình vận chuyển theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh;

Không vận chuyển thực phẩm cùng hàng hoá độc hại hoặc có thể gây nhiễm chéo ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm.

PV: Một trong những cách để chọn lựa bánh đó là những thông tin trên nhãn hàng hóa. Các cơ sở sản xuất bánh cần tuân thủ quy định ghi nhãn hàng hóa như thế nào thưa ông?

Ông Trần Hoàng Sơn: Ngày 09-12-2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-02-2022.

Theo đó, đối với các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam thì nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa (nếu không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa); định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần hoặc thành phần định lượng, thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng; Thông tin cảnh báo; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

Đối với hàng hóa nhập khẩu thì nhãn gốc bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan: Tên hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.

Tên riêng của tổ chức, cá nhân và địa danh ghi trên nhãn hàng hóa không được viết tắt; hàng hóa được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hóa đó; hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu trên nhãn hàng hóa.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Thể hiện bằng một trong các cụm từ sau: “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước/vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

PV: Còn với các cơ sở kinh doanh bánh trung thu thì phải đảm bảo những quy định nào, thưa ông?

Ông Trần Hoàng Sơn: Đối với cơ sở kinh doanh bánh trung thu thuộc phân cấp quản lý của ngành Công Thương, do đó các cơ sở kinh doanh bánh trung thu cần tuân thủ theo Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy định cụ thể của Bộ Công Thương.

Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, cơ sở kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải đảm bảo các điều kiện:

Tuân thủ các quy định về ghi nhãn thực phẩm.

Tuân thủ các điều kiện về bảo đảm ATTP đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, điều kiện về bảo đảm ATTP trong bảo quản thực phẩm: Nơi bảo quản và phương tiện bảo quản phải có diện tích đủ rộng để bảo quản từng loại thực phẩm riêng biệt, có thể thực hiện kỹ thuật xếp dỡ an toàn và chính xác, bảo đảm vệ sinh trong quá trình bảo quản; Ngăn ngừa được ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường; bảo đảm đủ ánh sáng; có thiết bị chuyên dụng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khí hậu khác, thiết bị thông gió và các điều kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại thực phẩm.

PV: Xin cảm ơn ông.

Anh-tin-bai

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP Tp. Tân An kiểm tra các điểm kinh doanh bánh trung thu năm 2024.

 

NGƯƠN KIẾT thực hiện

Thông báo
 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement  

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1