image banner
Cảnh báo gia tăng ngộ độc thuốc do tự tử

Gần đây, các bệnh viện trên cả nước liên tục tiếp nhận nhiều ca ngộ độc thuốc do cố ý tự tử. Riêng tại Trung tâm Y tế huyện Tân Thạnh ghi nhận từ đầu năm đến nay có 12 ca nhập viện do tự tử bằng thuốc. Trong đó có 2 người bị nặng dẫn đến tử vong. Số ca nhập viện do tự tử bằng thuốc có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ.

Các loại thuốc thường được sử dụng trong các trường hợp này bao gồm thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau và thậm chí cả thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu… Trong một số trường hợp, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, việc tự ý sử dụng thuốc quá liều có thể gây rối loạn nhịp tim, suy gan, suy thận, tổn thương não, hôn mê và tử vong. Đặc biệt, một số loại thuốc khi uống quá nhiều sẽ gây ra biến chứng lâu dài, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ngay cả khi được cứu sống.

Ngoài ra, việc mua và tích trữ thuốc tùy tiện cũng làm gia tăng nguy cơ tự tử bằng thuốc, đặc biệt là trong những lúc mất kiểm soát về tâm lý.

Theo các bác sĩ tâm lý, nguyên nhân chính dẫn đến hành vi tự tử thường xuất phát từ áp lực công việc, căng thẳng trong cuộc sống, rối loạn tâm lý như trầm cảm hoặc lo âu kéo dài. Đặc biệt, giới trẻ hiện nay đối mặt với nhiều áp lực học tập, gia đình, xã hội, dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý…

Dấu hiệu ở người bị ngộ độc thuốc: buồn nôn, nôn ói, đau bụng, hoa mắt, chóng mặt, co giật, lú lẫn, mất ý thức, nhịp tim không đều, khó thở.

Cách xử trí khi nghi ngờ ngộ độc thuốc đó là người nhà cần gọi 115 ngay lập tức, không tự ý gây nôn nếu không có chỉ định, ghi nhớ loại thuốc và liều đã uống để cung cấp cho bác sĩ. Bên cạnh đó, trong lúc chờ cấp cứu cần trấn an người bệnh, giúp họ giữ bình tĩnh, không để họ nằm một mình.

Để tránh trường hợp người thân tự tử thì gia đình và xã hội cần quan tâm nhiều hơn đến những người chung quanh mình. Nên chú ý đến các dấu hiệu bất thường ở người thân, đặc biệt là biểu hiện chán nản, mất ngủ, thay đổi thói quen ăn uống, hay có những phát ngôn tiêu cực.

Ngoài ra, cần thắt chặt việc quản lý thuốc, không nên để người có tâm lý muốn tự tử dễ dàng tiếp cận thuốc, đặc biệt là các loại thuốc có nguy cơ gây ngộ độc cao.

Người có ý định muốn tự tử cũng cần được hỗ trợ tâm lý kịp thời. Khi cảm thấy căng thẳng, lo lắng hoặc có ý nghĩ tiêu cực, hãy tìm sự giúp đỡ của bạn bè, người thân hoặc bác sĩ tâm lý cũng là một lựa chọn hữu ích.

Để nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng ngừa tự tử cần có nhiều chương trình giáo dục về sức khỏe tâm thần, giúp mọi người hiểu rõ hơn về các vấn đề tâm lý và cách đối phó với áp lực cuộc sống.

 

Võ Thị Trà My 

Thông báo
 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement  

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1