image banner
DẤU ẤN LỊCH SỬ CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ
Nhìn lại chặng đường lịch sử 73 năm của Công đoàn Việt Nam kể từ Đại hội lần thứ nhất - năm 1950, đến kỳ Đại hội lần thứ mười ba - năm 2023, đó là cả một quá trình với những thăng trầm mà tổ chức Công đoàn đã trải qua theo từng giai đoạn lịch sử của đất nước.

Khi nhắc đến tổ chức công đoàn, ai cũng biết rằng, đây là một tổ chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những người lao động tự nguyện lập ra. Theo đó, tổ chức Công đoàn có ba chức năng chính đó là : Thứ nhất tổ chức Công đoàn là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho mọi tầng lớp Công chức, viên chức, người lao động. Tiếp đến là tham gia quản lý và chức năng cuối cùng là tuyên truyền vận động, giáo dục người lao động xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trải qua một chặng đường dài như trên, công đoàn Việt Nam luôn làm tròn trách nhiệm của mình, dẫu biết rằng thời gian trôi qua đó là thứ tồn tại vô hình nhưng qua từng thời kỳ của đất nước hay từng nhiệm kỳ của tổ chức công đoàn cũng đủ để diễn tả cho sự vận động phát triển của chính mình.

Sau đây, chúng ta cùng điểm lại những dấu ấn lịch sử qua các nhiệm kỳ của tổ chức Công đoàn Việt Nam theo từng giai đoạn. Đồng thời, mỗi khi nhắc lại các chặng đường đã qua là mỗi lần chúng ta như được lật từng trang sử hào hùng của những con người đã hy sinh, đóng góp và dày công vun xới cho tổ chức công đoàn Việt Nam.

 1/. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ nhất

 Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ nhất được diễn ra từ ngày 01 đến ngày 15 tháng 01 năm 1950, tại tỉnh Thái Nguyên. Đại hội nhằm kiểm điểm và tổng kết kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam từ khi hình thành, nhất là từ sau cách mạng tháng tám thắng lợi đến thời điểm diễn ra đại hội. Đại hội lần thứ nhất của công đoàn Việt Nam rất vinh dự được sự quan tâm và gửi thư chào mừng từ Liên hiệp Công đoàn thế giới và đặc biệt là thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thư Bác đã chia sẻ, động viên và khích lệ mọi tầng lớp nhân nhân. Mục tiêu quan trọng của kỳ Đại hội đầu tiên này là : "Động viên công nhân, viên chức cả nước, nhất là ngành Quân giới sản xuất nhiều vũ khí, tài khí phục vụ cho kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi".

 cdn 29 12 2023 1.jpg

                Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ I từ 1-15/1/1950 tại Thái Nguyên

2/. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ hai

Tiếp nối với những thắng lợi cho nhiệm kỳ Đại hội Công đoàn lần thứ nhất, thì 11 năm sau đã tổ chức Đại hội Công đoàn lần thứ hai được diễn ra từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 2 năm 1961 tại Thủ đô Hà Nội. Dấu ấn quan trong của kỳ Đại hội Công đoàn lần thứ hai này là việc đổi tên từ Tổng liên đoàn lao động Việt Nam thành Tổng công đoàn Việt Nam. Đến tham dự Đại hội lần II này, Đại hội vinh dự được đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh đến tham dự, phát biểu ý kiến và chỉ đạo cho Đại hội. Đồng thời, Đại hội cũng đã quyết định lấy thư của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho phương hướng và nhiệm vụ công tác Công đoàn Việt Nam. Căn cứ trên những phương hướng đó, Đại hội đã đề ra mục tiêu cụ thể : "Động viên cán bộ, công nhân viên chức, thi đua lao động, sản xuất, xây dựng CNXH ở miền bắc với tinh thần : "mỗi người làm việc bằng hai, vì miền nam ruột thịt" góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà" là mục tiêu Đại hội lần thứ hai của Công đoàn Việt Nam.

 cdn 29 12 2023 2.jpg

Đồng chí Hoàng Quốc Việt đọc diễn văn khai mạc Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ 2, Hà Nội tháng 2- 1961

3/. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ ba

 Cùng với hai nhiệm kỳ Đại hội đã diễn ra, cùng với những thành quả đạt được, Tổ chức công đoàn đã tiến hành cho một kỳ Đại hội sau 13 năm cho nhiệm kỳ Đại hội lần thứ hai, Đại hội lần thứ ba diễn ra từ ngày 11 đến 14 tháng 02 năm 1974, tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội Công đoàn lần này đã bầu Đồng chí Tôn Đức Thắng hiện là Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa làm chủ tích danh dự của Tổ chức Công đoàn Việt Nam. Sau khi căn nhắc những mục tiêu của các kỳ Đại hội đã lần trước, mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội lần ba này là : "Động viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường, tất cả để giải phóng miền nam thống nhất đất nước" đó là mục tiêu quan trọng mà chúng ta cần đạt được trong giai đoạn này.

cdn 29 12 2023 3.jpg 

Lễ khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ III tại Hà Nội, ngày 11/4/1974

 4/. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ tư

Bốn năm sau kỳ Đại hội thứ III, từ ngày 08 – 11/05/1978 kỳ Đại hội thứ IV được tổ chức tại Thủ dô Hà Nội. Đại hội Công đoàn lần thứ IV vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, có đồng chí Lê Duẩn –Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Tôn Đức Thắng – Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch danh dự Tổng Công đoàn Việt Nam; đồng chí Trường Chinh - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội; đồng chí Phạm Văn Đồng - Ủy viên Bộ Chính Trị, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đến dự Đại hội. Đại hội lần thứ IV đã thống nhất bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh - Ủy viên Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng làm Chủ tịch của Tổ chức Công đoàn với nhiệm kỳ 1978 – 1983. Mục tiêu của Đại hội lần thứ IV là: "Động viên giai cấp công nhân và người lao động thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong cả nước 

cdn 29 12 2023 4.jpg

Lễ khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IV sáng ngày 8/5/1978, tại Hà Nội

 5/. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ năm

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ 1978 – 1983, vào ngày 16 – 18/11/1983 tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội lần thứ V đã được tổ chức một cách long trọng. Đại hội lần thứ V nhất trí lấy ngày 20/07/1929, ngày thành lập Tổng Công hội Đỏ bắc kỳ làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Mục tiêu của Đại hội lần thứ V là: Động viên công nhân lao động thi đua thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng: Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu".

cdn 29 12 2023 5.jpg 

Lễ khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V, tại Hà Nội, ngày 16/11/1983

 6/. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ sáu

Đại hôi lần thứ VI Công đoàn Việt Nam là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của giai cấp công nhân và người lao động. Đây là Đại hội đầu tiên thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đồng thời đặt ra cơ sở lý luận cho đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn. Với tinh thần đổi mới : "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật" trong bầu không khí công khai, dân chủ. Đại hội đã đánh giá thực trạng tình hình phong trào công nhân và hoạt động công đoàn đề ra giải pháp khắc phục yếu kém để đưa phong trào công nhân và hoạt động công đoàn phát triển. Đại hội VI diễn ra từ ngày 17 – 20/10/1988 tại Thủ đô Hà Nội, trong kỳ Đại hội VI tên Tổng Công đoàn Việt Nam đã được đổi thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đồng chí Nguyễn Văn Tư, Ủy viên BCH Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch. Đại hội đã đề ra mục tiêu có sức cổ vũ mạnh mẽ đối với công nhân lao động là: "Việc làm và đời sống, dân chủ và công bằng".

 cdn 29 12 2023 6.jpg

Lễ khai mạc Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ VI, sáng 17/10/1988, tại Hà Nội

7/. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ bảy

Từ ngày 09 – 12/11/1993, kỳ Đại hội lần thứ VII đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Trong kỳ Đại hội này, đồng chí Nguyễn Văn Tư - Ủy viên BCH Trung ương Đảng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch. Đại hội VII Công đoàn Việt Nam xác định mục tiêu hoạt động công đoàn 5 năm (1993 – 1998) là: "Đổi mới tổ chức và hoạt động Công doàn, góp phần và xây dựng bảo vệ Tổ quốc, chăm lo và bảo vệ lợi ịch của công nhân, lao động". "Công đoàn có trách nhiệm động viên công nhân lao động xây dựng khối đại kết toàn dân ... phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"; khắc phục tình trạng "Nhà nước hóa, hành chính hóa" trong tổ chức và phương thức hoạt động công đoàn.

 cdn 29 12 2023 7.jpg

Đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng phát biểu tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VII

8/. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ tám

Sau nhiệm kỳ 5 năm (1993 – 1998), Đại hội lầm thứ VIII được tổ chức từ ngày 03 – 06/11/1998 tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Cù Thị Hậu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch. Đại hội VIII Công đoàn Việt Nam đề ra 06 mục tiêu chủ yếu, trong đó, phát động phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong công nhân viên chức chức, lao động hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước với khẩu hiệu: "Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Mục tiêu được đề ra trong Đại hôi VIII là: "Vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh."

 cdn 29 12 2023 8.jpg

Đoàn Chủ tịch Đại hội VIII Công đoàn Việt Nam

9/. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ chín

Từ ngày 10 – 13/10/2003, Đại hội Công đoàn lần thứ IX được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Cù Thị Hậu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch. Tuy nhiên, tháng 12/2006 đồng chí Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch thay cho đồng chí Cù Thị Hậu. Đại hội IX đưa ra khẩu hiệu hành động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới là: Xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, góp phần tăng cường đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 cdn 29 12 2023 9.jpg

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IX

10/. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ mười

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X diễn ra từ ngày 02 - 05/11/2008 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội X vinh dự được đón tiếp đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tới dự. Đại hội kỳ này, đồng chí Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch. Đại hội đề ra mục tiêu: "Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn các cấp; hướng về cơ sở, lấy co sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên, công nhân, viên chức, lao độnglàm đối tượng vận động; chuyển mạnh hoạt động công đoàn vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

 cdn 29 12 2023 10.jpg

Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa

11/. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ mười một

Đại hội XI diễn ra từ ngày 27 – 30/07/2013 tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch. Đại hội Công đoàn Việt nam lần thứ XI đã nghe đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nhước, phát biểu chỉ đạo Đại hội, trong đó nhấn mạnh: Thời gian tới, hoạt động của tổ chức Công đoàn phải thực sự hướng về cơ sở, giải đáp trúng những vấn đề thực tiễn đặt ra về đời sống, việc làm của CNVCLĐ; thực sự chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ.

 cdn 29 12 2023 11.jpg

Lễ khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, sáng 28/7/2013, tại Hà Nội

12/. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ mười hai

Từ ngày 24 – 26/09/2018, Đại hội Công đoàn XII được tổ chức tại Hà Nội. Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên BCH Trunguongw Đảng được bầu làm Chủ tịch. Tuy nhiên, ngày 28/07/2019, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên BCH Truong ương Đảng được bầu làm chủ tịch thay cho đồng chí Bùi Văn Cường. Đại hội XII đề ra mực tiêu: "Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao . Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông dảo người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc."

 cdn 29 12 2023 12.jpg

Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2018-2023 ra mắt Đại hội, chiều 26/9/2018, tại Hà Nội

13/. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ mười ba

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra vào thời điểm đoàn viên, người lao động cả nước cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện tháng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/06/2021 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới". Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII; xác định mục tiêu, nhiệm kỳ 2023 – 2028; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII; đánh giá việc thi hành, thảo luận và thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung). Đại hội XIII Công đoàn là dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển trong bối cảnh mới, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước.

 cdn 29 12 2023 13.jpg

Đại hội lần thứ XIII Công đoàn  Việt Nam diễn ra từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 12 năm 2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội)

                                Nguồn: Công đoàn ngành Y tế Long An


Thông báo
 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement  

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1