image banner
Không chủ quan với bệnh Dại

Theo báo cáo từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2025, đến ngày 05-6-2025, cả nước đã ghi nhận 42 trường hợp nghi dại và tử vong do bệnh Dại tại 19 tỉnh, thành phố, giảm 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2024.

Những tỉnh ghi nhận trường hợp tử vong đều là tỉnh có bệnh Dại lưu hành nhiều năm, tỉnh Gia Lai có số tử vong cao nhất khu vực Tây Nguyên liên tiếp qua các năm. Tỉnh Bình Thuận (nay là tỉnh Lâm Đồng) là điểm nóng về bệnh Dại mới nổi trong năm 2024, đến tháng 5/2025 đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong do bệnh Dại. Nguyên nhân chủ yếu là những người bị động vật nghi dại (chó, mèo…) cắn nhưng chủ quan không đi tiêm phòng vức xin phòng dại kịp thời, dẫn đến tử vong.

Để phòng bệnh Dại, khi bị chó, mèo cắn hoặc cào cần phải được rửa sạch ngay lập tức trong vòng 15 phút với nước và xà bông, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 450-700 hoặc cồn iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh Dại, mục đích giảm thấp nhất lượng vi rút tại nơi xâm nhập.

Cũng cần lưu ý là không làm dập nát thêm vết thương như cố gắng bóp, nặn hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh may kín ngay vết thương. Trường hợp bắt buộc phải may thì nên trì hoãn may vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên may ngắt quãng, bỏ mũi sau khi đã tiêm phong bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương. 

Thời kỳ ủ bệnh được tính từ thời điểm bị động vật dại, nghi dại cắn đến khi phát bệnh. Đây là khoảng thời gian quý báu quyết định khả năng cứu sống người bệnh. Tất cả mọi người khi bị động vật dại, nghi dại cắn, cào, liếm cần phải đi tiêm phòng ngay. Tuyệt đối không được chủ quan là chó, mèo nhà nuôi, hay chó, mèo con. Không được tự ý chữa trị tại nhà hay đi thầy lang lấy nọc.

Vắc xin và huyết thanh kháng Dại được chứng minh là biện pháp phòng ngừa bệnh Dại hữu hiệu nhất. Tuỳ theo tình trạng con vật, vị trí vết thương, số lượng vết thương, tình trạng vết thương... Bác sĩ sẽ chỉ định dùng vắc xin và huyết thanh kháng dại phù hợp theo quy định để điều trị dự phòng bệnh Dại.

Vắc xin phòng bệnh Dại ở người phải trải qua một loạt các kiểm định về chất lượng như: hiệu lực, độc tính, độ an toàn và vô trùng. Vắc xin phòng bệnh Dại hiện nay là vắc xin công nghệ mới, rất an toàn cho người, có thể tiêm cho phụ nữ mang thai.

Mọi người cũng cần lưu ý là khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện khác thường như trở nên hung dữ, cào cắn người hay động vật khác thì chủ nuôi phải có trách nhiệm khai báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất để kịp thời khoanh vùng và xử lý nếu chó, mèo bị dại đặc biệt tại các địa phương có trường hợp tử vong do dại và có tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo thấp.

Thanh Bình 

Thông báo
 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement  

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1