image banner
Những lưu ý trong điều trị bệnh nhân viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp, dân gian gọi là thấp khớp, là viêm các khớp nhỏ mãn tính dẫn đến cứng khớp và biến dạng các khớp ở bàn tay, cổ tay, khớp gối và một số khớp khác. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu về Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình và nhóm tác giả trong chương trình hợp tác của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam vào năm 2008, bệnh viêm khớp dạng thấp chiếm 0,5% - 3% dân số ở người lớn; chiếm 20% số bệnh nhân điều trị khớp ở bệnh viện trong đó 70 - 80% bệnh nhân là nữ giới.

Bác sĩ Y học cổ truyền - Nguyễn Ngọc Lam, Trung tâm Y tế huyện Cần Đước cho biết chưa có nghiên cứu khẳng định nguyên nhân của viêm khớp dạng thấp. Chỉ biết có một số yếu tố thuận lợi cho bệnh khởi phát như phụ nữ đến tuổi trung niên, người bị nhiễm lạnh và ẩm kéo dài, sau thời gian dùng thuốc nội tiết, sau khi mắc các bệnh nhiễm trùng hoặc các bệnh dị ứng...

Đối với người mắc viêm khớp dạng thấp sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng như sốt, đau, sưng các khớp ngón tay, sưng đau khớp cổ tay và khớp gối; cứng khớp vào buổi sáng; đau khớp có tính chất đối xứng cả hai bên; các đợt sưng đau tái đi tái lại, dần dần làm biến dạng các khớp; bệnh tái đi tái lại trên 3 tháng sau đó các ngón tay có hình thoi, ngón quắp lại hình cổ cò, cổ tay lệch ra ngoài (bàn tay gió thổi), teo cơ mu tay và lòng bàn tay, cơ đùi và cẳng chân. Lâu dần khiến người bệnh không cử động bàn tay, ngón tay và cổ tay được.

Bệnh khớp là một trong những nguyên nhân gây khuyết tật và giảm chức năng đối với người bệnh. Người bệnh cần được chăm sóc, điều trị một cách toàn diện về mặt y học, can thiệp phẫu thuật (nếu cần) và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Bệnh có thể được phòng ngừa và hạn chế bằng chế độ dinh dưỡng cân bằng, tăng cường vận động, tập thể dục thể thao để duy trì sức khoẻ, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, môi trường sống khô ráo thoáng mát (tránh ẩm ướt)...

Khi bệnh diễn tiến nặng thường có xu hướng tái phát thành nhiều đợt, xen kẽ khoảng ổn định là những đợt đau tăng lên. Những đợt đau phải dùng thuốc hoặc áp dụng các phương thức vật lý trị liệu như chườm nóng, tạo nhiệt rồi đắp lên những vùng khớp sưng đau, đắp Paraphin, dùng đèn hồng ngoại...  

Giai đoạn các khớp đã biến dạng phải can thiệp bằng phẫu thuật, chỉnh hình; sau đó cần phối hợp với hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Đây là giải pháp quan trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực lên bệnh nhân. Người bệnh cần thường xuyên duy trì các bài tập trị liệu như tập cầm nắm và cử động bàn tay, ngón tay; tập điều hợp cử động của các khớp của cánh tay, tự thực hiện các hoạt động ăn uống, tắm rửa, giặt giũ, thay quần áo.

Chế độ dinh dưỡng cân bằng cũng rất quan trọng để duy trì cân nặng vừa phải giúp giảm áp lực lên khớp. Bổ sung acid béo, vitamin C, D, E từ cá biển, giá đậu, mè, mầm lúa mạch, nước ép trái cây… giúp giảm đau, chống viêm tốt, có khả năng cải thiện bệnh viêm khớp.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lam nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là gia đình cần hỗ trợ để người bệnh tự chăm sóc bản thân, tự làm việc nhà để tránh cảm giác tự ti, mặc cảm bản thân mình “tàn phế”. Song song đó, cũng cần có sự động viên, thăm hỏi của người thân, hàng xóm để tạo tâm lý tích cực và động cơ mạnh mẽ giúp người bệnh vượt qua những khó khăn về tâm lý, tinh thần do bệnh tật gây ra.

Anh-tin-bai

Bác sĩ  tiến hành điện châm cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.

Nguyễn Ngọc Đan Tuyền

Thông báo
 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement  

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1