image banner
HY VỌNG MỚI TRONG KHẢ NĂNG SINH SẢN Ở BỆNH NHÂN THALASSEMIA

Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế (2018), Việt Nam có khoảng 12 triệu người, tương đương 13% dân số mang gen Thalassemia (thiếu máu Địa Trung Hải), có tên gọi dân gian là bệnh tan máu hay thiếu máu tán huyết. 

Đây là bệnh lý đột biến đơn gen di truyền gây bất thường cấu trúc hồng cầu, có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như tình trạng ứ đọng sắt, lách lớn, nhiễm trùng, biến dạng xương, chậm phát triển, các bệnh lý tim mạch như suy tim xung huyết, loạn nhịp tim. Hiện tuổi thọ và chất lượng cuộc sống, khả năng sinh sản của những bệnh nhân này đã được cải thiện đáng kể nhờ những tiến bộ trong liệu pháp thải sắt, ngành huyết học và lĩnh vực sản khoa.

độ tuổi trưởng thành, bệnh nhân mang gen Thalassemia gặp nhiều khó khăn trong việc thụ thai ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cả nam và nữ, đồng thời di truyền lại cho thế hệ sau. Hiếm muộn ở bệnh nhân Thalassemia thường do hậu quả của sự ứ đọng sắt tại các tuyến nội tiết. Bệnh nhân trưởng thành mắc Thalassemia nếu thường xuyên truyền máu sẽ có nguy cơ suy sinh dục, dậy thì muộn hơn, trưởng thành sinh dục muộn và giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương và chất lượng cuộc sống kém đối với cả hai giới.  

Ở nữ giới, Thalassemia gây các bệnh lý hậu quả như rối loạn chức năng gan và sự hiện diện của các rối loạn nội tiết như đái tháo đường và suy giáp. Các bệnh này góp phần khiến thai kỳ của phụ nữ Thalassemia gặp nhiều bất lợi.

Ở nam giới, tuyến yên bị tổn thương do ứ đọng sắt sẽ chế tiết ít gonadotropin, từ đó giảm quá trình chế tiết testosterone, quá trình sinh tinh khiếm khuyết, thể tích xuất tinh cũng thấp hơn bình thường. Quá trình sinh tinh ở người nam mắc Thalassemia bị quá tải sắt mức độ trung bình đến nặng cũng bị ảnh hưởng, với tỷ lệ sinh tinh thành công chỉ khoảng 10 - 15% ở bệnh nhân.

 Khả năng mang thai cho các bệnh nhân này là hoàn toàn có thể nếu có kế hoạch và phương án điều trị thích hợp dựa trên những thành tựu sản khoa đương đại. Các phương án chi tiết như sau:

Thứ nhất, điều trị hỗ trợ sinh sản bằng cách trữ lạnh tinh trùng ở nam và dự trữ buồng trứng ở nữ (trữ lạnh noãn hoặc phôi). Điều này rất cần thiết nếu bệnh nhân muốn sinh con vì tình trạng suy sinh dục vẫn là một tình trạng phổ biến, ảnh hưởng 40 - 90% bệnh nhân thalassemia phụ thuộc truyền máu. Các quan điểm mới nhất còn bao gồm các chiến lược trữ đông mô buồng trứng ở trẻ gái mắc Thalassemia.

Thứ hai, thực hiện chẩn đoán tiền sản và xét nghiệm di truyền tiền làm tổ. Khi cả bố và mẹ là người lành mang gen bệnh (các cặp đôi cùng mang gen dị hợp lặn  hoặc ß-Thalassemia), việc tư vấn di truyền cũng như được chẩn đoán tiền sản nên được thực hiện. Cặp vợ chồng cần được tư vấn về nguy cơ (25%) mang thai con mắc Thalassemia thể nặng. Chẩn đoán có thể được thực hiện sớm ở tam cá nguyệt thứ nhất thông qua sinh thiết gai nhau (quanh 11 tuần) hoặc thông qua chọc ối (quanh 16 tuần). Trong trường hợp cả hai vợ chồng đều mang cùng một bệnh lý hồng cầu, xin giao tử hoặc phôi hiến tặng là những lựa chọn thực tế cho các cặp đôi mong muốn có thai, sau khi đã điều chỉnh nồng độ sắt một cách tối ưu để tăng cơ hội mang thai thành công. Giao tử được ưu tiên xin cho nên là tinh trùng vì có thể dễ dàng tiếp cận thông qua ngân hàng tinh trùng.

Thứ ba, quản lý thai kỳ cho ph nữ Thalassemia có nhiều điều cần lưu ý. Thai kỳ ở phụ nữ thalassemia có nguy cơ rối loạn chức năng gan và tim cao do ứ đọng sắt, cũng như có nguy cơ lây truyền dọc các loại virus từ mẹ sang con, các bệnh nhân này tăng gấp đôi nguy cơ thai chậm tăng trưởng trong tử cung và nguy cơ sinh non. Tuy vậy, điều trị truyền máu tích cực có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ứ sắt ở những bệnh nhân có nguy cơ gây suy các cơ quan, ứ đọng sắt ở tim và rối loạn chức năng thất trái gây suy tim, tử vong. Các biến chứng khác liên quan đến thai kỳ như bệnh lý nhồi máu bánh nhau, nhau bong non, đái tháo đường thai kỳ, sỏi thận, sỏi mật, viêm đường tiết niệu đã được ghi nhận trong các thai kỳ của mẹ mắc thalassemia. Tuy nhiên, nguy cơ gặp phải các biến chứng liên quan thai kỳ này ở phụ nữ có Thalassemia chưa có bằng chứng cho thấy là cao hơn so với dân số chung. Do đó, đòi hỏi phải có sự theo dõi thai kỳ và sinh nở cho phụ nữ mắc thalassemia sát sao hơn so với thai phụ bình thường.

Việc theo dõi thai lần siêu âm thai đầu tiên nên được thực hiện vào tuần thứ 7 - 9 thai kỳ, vì những phụ nữ này có nguy cơ sẩy thai cao cũng như đa thai (nhất là thai kỳ sau hỗ trợ sinh sản). Ngoài siêu âm hình thái 3 tháng đầu (đo độ mờ da gáy) và 3 tháng giữa (18 – 21 tuần), siêu âm thai nhi nên được thực hiện hàng tháng sau tuần thai thứ 24, nhằm phát hiện sớm hiện tượng thai chậm tăng trưởng trong tử cung (IUGR) có thể do thiếu máu mãn tính ở người mẹ và các suy giảm trong dinh dưỡng. Sẩy thai xảy ra chủ yếu ở các trường hợp thai nhi đồng hợp tử Thalassemia hoặc có IUGR nặng.

Đối với lựa chọn cách thức sinh, dù mổ lấy thai giúp giảm thiểu các nguy cơ bất thường trong chuyển dạ, chỉ định này hoàn toàn tương tự như trong dân số chung chứ không phải thường quy cho thai phụ Thalassemia. Nếu thực hiện sinh thường qua ngả âm đạo, bệnh nhân nên được xử trí tích cực giai đoạn ba chuyển dạ nhằm giảm lượng máu mất. Nếu mổ lấy thai, gây tê tủy sống được ưu tiên hơn gây mê, đa phần vì những khó khăn trong đặt nội khí quản ở bệnh nhân biến dạng xương hàm mặt.

Cho đến hiện tại không có phương pháp nào điều trị bệnh lý hemoglobin nặng tốt hơn ghép tủy. Thế nhưng, sự lựa chọn này chỉ đáp ứng được với một phần nhỏ bệnh nhân có tủy ghép phù hợp và đang trong tình trạng lâm sàng tốt. Một phương pháp hứa hẹn khác là điều trị nhằm vào hoàn thiện chuỗi globin bị mất cân bằng trong bệnh Thalassemia, bằng cách tái kích hoạt các gen sản xuất globin phôi thai. Điều chỉnh biểu hiện gen -globin hay gen -globin. Cấy ghép tế bào gốc cho thai nhi Thalassemia ngay khi còn trong tử cung. Trước đây, khi thai có biểu hiện chậm tăng trưởng và thiếu máu nặng, có thể thực hiện truyền máu tích cực cho thai qua dây rốn. Hiện tại, một thử nghiệm phase I đang được tiến hành kỹ thuật cấy ghép này, sử dụng mẫu tủy từ mẹ (haploidentical - tế bào gốc phù hợp một nửa) trên thai nhi bị -thalassemia thể nặng từ giữa tuần 18 đến 25 thai kỳ. Y văn thế giới đã ghi nhận 3 trường hợp cấy ghép tủy xương trong tử cung trước đây cho thai có -thalassemia nặng. Dù chưa có trường hợp nào kể trên chứng minh được kết quả cấy ghép thành công hay có kết quả tích cực đây vẫn là một hướng nghiên cứu đầy tiềm năng nhằm giúp đỡ cho các bệnh nhân Thalassemia.

Cuối cùng, xin con nuôi có thể là một lựa chọn thay thế cho bệnh nhân. Điều này tiết kiệm chi phí điều trị và sinh sản tuy nhiên, chỉ định bệnh nhân lựa chọn các phương án này thường phức tạp và liên quan đến nhiều khía cạnh thực tiễn, đạo đức, tâm lý, văn hóa và kinh tế.

Do đó, Chương trình Y tế - Dân số quốc gia khuyến khích nam nữ thanh niên trước khi kết hôn cần khám sức khỏe và thực hiện xét nghiệm tiền hôn nhân (xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán xác định). Đây là việc vô cùng cần thiết để sàng lọc chính xác gen bệnh Thalassemia và một số bệnh lý di truyền khác, giúp xác định các cặp vợ chồng có mang gen gây bệnh hay không, nếu có nguy cơ mắc bệnh ở con sau này cần có kế hoạch và phương án thích hợp để chuẩn bị cả về mặt điều trị, tâm lý và tài chính lâu dài.

Anh-tin-bai

Xét nghiệm tiền hôn nhân, khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh là giải pháp bền vững để trẻ sinh ra khỏe mạnh, nâng cao chất lượng dân số.

Nguyễn Ngọc Đan Tuyền

Tài liệu tham khảo: Tạp Chí Y Học Sinh Sản, Tập 59, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Thông báo
 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement  

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1