11/02/2025
Nam giới cần chủ động hơn trong việc thực hiện Kế hoạch hóa gia đình
Nam giới chủ động trong việc thực hiện Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác Dân số. Nam giới chủ động chia sẻ việc KHHGĐ góp phần thực hiện bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, đảm bảo sức khỏe cho phụ nữ, giúp phụ nữ cảm thấy được chia sẻ, an tâm làm việc và phấn đấu cho công việc.
Trong những năm qua, công tác Dân số đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Đặc biệt là việc các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, điển hình tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai năm 2013 đạt 82.88% đến năm 2024 tăng lên 86.38%, bình quân mỗi năm tăng 0,3%...
Tuy nhiên, công tác này mới nhận được sự nhiệt tình ủng hộ của phụ nữ mà chưa có nhiều sự tham gia tích cực, chủ động của nam giới. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) của phụ nữ năm 2013 là 80.57%; năm 2024 là 88.13%, tương ứng tỷ lệ nam giới sử dụng BPTT (bao cao su, triệt sản…) là dưới 20%.
Mặt khác, trong công tác truyền thông Dân số sự tham gia của nam giới còn khá mờ nhạt, phụ nữ đi truyền thông cho phụ nữ nghe. Vì vậy, còn xảy ra tình trạng vợ muốn kế hoạch, chồng không chấp nhận. Hoặc người chồng không hiểu rõ lợi ích của KHHGĐ bắt vợ sinh bằng được con trai khi đã có hai con gái. Nhiều trường hợp vợ không sử dụng được các biện pháp tránh thai, chồng vẫn không chịu sử dụng gây nên tình trạng mang thai ngoài ý muốn và hệ lụy của nó là gia đình đông con hoặc nạo phá thai không an toàn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tư tưởng lạc hậu còn tồn tại, nam giới vẫn coi KHHGĐ là chuyện của phụ nữ nên chưa chủ động thực hiện KHHGĐ. Bên cạnh đó, các chương trình truyền thông dân số luôn hướng tới đối tượng là nữ giới mà chưa quan tâm nhiều đến đối tượng nam giới.
Hậu quả của cách làm này sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ. Áp lực phụ nữ phải sinh con trai và sinh nhiều con dẫn đến tình trạng sinh con thứ ba trở lên và kéo theo nhiều hệ lụy khác. Suy giảm sức khỏe của bà mẹ và trẻ em.
Để khắc phục tình trạng này, chúng ta hãy truyền thông về bình đẳng giới trong thực hiện KHHGĐ; Thành lập và nhân rộng mô hình các câu lạc bộ về chăm sóc sức khỏe sinh/KHHGĐ có sự tham gia của vợ và chồng; Người chồng phải có bổn phận với vợ trong việc sử dụng biện pháp tránh thai, quyết định sinh con, số con và khoảng cách sinh; Trong gia đình tuyệt đối không phân biệt đối xử con trai và con gái, con trai và con gái được đối xử bình đẳng, học tập, lao động và hưởng thụ.
Khi nam giới tham gia thực hiện KHHGĐ chính là sự thể hiện trách nhiệm của người chồng, người cha trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc.
Nguyễn Văn Vác Trung tâm Y tế Tân Thạnh