image banner
Chế độ ăn lành mạnh để phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm

Theo Tổ chức Y tế thế giới, chế độ ăn uống lành mạnh nên có 8 đặc điểm sau đây:

Một là bắt đầu sớm trong đời, cụ thể cho con bú sớm, cho con bú sữa mẹ hoàn toàn cho đến 6 tháng tuổi, và tiếp tục cho con bú cho đến khi được 2 tuổi trở lên kết hợp với cho ăn bổ sung đúng đủ;

Hai là được dựa trên sự đa dạng thực phẩm, ưu tiên sử dụng thực phẩm chưa qua chế biến hoặc được xử lý tối thiểu nhất có thể, cân đối giữa các nhóm thực phẩm, đồng thời hạn chế thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến;

Ba là bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt và đa dạng và nhiều các loại trái cây và rau;

Bốn là có thể bao gồm một lượng vừa phải trứng, sữa, thịt gia cầm và cá, và một lượng nhỏ thịt đỏ;

Năm là bao gồm nước uống an toàn và sạch sẽ;

Sáu là cung cấp đủ (tức là đạt nhưng không vượt quá nhu cầu) về năng lượng và chất dinh dưỡng cho sự tăng trưởng và phát triển để đáp ứng nhu cầu cho một cuộc sống năng động và khỏe mạnh trong suốt vòng đời;

Bảy là phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới nhằm giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống và đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc cho người dân;

Tám là chứa mức tối thiểu hoặc không có mầm bệnh, chất độc và tác nhân khác có thể gây bệnh do thực phẩm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, chế độ ăn uống lành mạnh khi: bao gồm ít hơn 30% tổng năng lượng tiêu thụ từ chất béo; tiêu thụ chất béo không bão hòa thay cho chất béo bão hòa; loại bỏ chất béo chuyển hóa công nghiệp ra khỏi chế độ ăn; nên có ít hơn 10% tổng năng lượng hấp thụ từ đường tự do (tốt nhất là ít hơn 5%); tiêu thụ ít nhất 400 g trái cây và rau quả mỗi ngày; không quá 5 g muối mỗi ngày (có i-ốt).

Theo Phó Trưởng khoa phụ trách Dinh dưỡng – An toàn thực phẩm (Viện Y tế Công cộng TP.HCM) - Tiến sĩ Vương Ngọc Thùy, dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khoẻ, tầm vóc và trí tuệ. Thực phẩm và dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa, điều trị suy dinh dưỡng (cả thiếu và thừa dinh dưỡng), và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống như béo phì, bệnh tim mạch, đái tháo đường và một số loại ung thư.

Một chế độ ăn đa dạng và cân bằng với việc tiêu thụ nhiều hơn các nhóm thực phẩm có nguồn gốc thực vật (trái cây, rau, các loại đậu, ngũ cốc, các loại hạt, v.v.), và ít hơn các nhóm thực phẩm có nguồn gốc động vật sẽ tăng cường sức khỏe và giảm tác động đến môi trường. Việc áp dụng các chế độ ăn lành mạnh và bền vững có thể làm giảm 19,0–23,6% số ca tử vong trên toàn cầu (tương đương 10,8–11,6 triệu người) mỗi năm. Việc áp dụng hướng dẫn chế độ ăn dựa trên thực phẩm góp phần ngăn ngừa suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức, nâng cao sức khỏe con người và giảm tác động đến môi trường.

Để đề phòng tình trạng SDD và thiếu vi chất mỗi người, mỗi gia đình cần phát triển mô hình Vườn – Ao – Chuồng nhất là ở khu vực nông thôn để tạo nguồn thực phẩm sẵn có, đa dạng, an toàn, giàu dinh dưỡng. Cũng cần tổ chức tốt bữa ăn gia đình, bữa ăn học đường đảm bảo cân đối, đủ dinh dưỡng. Đảm bảo an toàn trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm. Mọi người cũng cần xây dựng thói quen đọc thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm trước khi mua và sử dụng. Thực hiện chế độ ăn lành mạnh và duy trì hoạt động thể lực hằng ngày để phòng, chống thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt là thực hiện chăm sóc dinh dưỡng hợp lý 1.000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển toàn diện về tầm vóc và trí tuệ.

Anh-tin-bai

Bữa ăn lành mạnh cung cấp đầy đủ, cân đối, hợp lý các chất dinh dưỡng.

Nguyễn Nguyễn Kiều Trúc Phương

Thông báo
 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement  

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1