Nguyên nhân gây khô mắt
Khô mắt là tình trạng mất cân bằng khả năng tiết và thoát nước mắt hoặc do nước mắt bốc hơi quá nhiều dẫn đến tổn thương bề mặt nhãn cầu và gây cảm giác khó chịu ở mắt. Người bệnh có biểu hiện mắt khô, đỏ, rát, cộm, ngứa ngáy, nhạy cảm với ánh sáng, chảy nước mắt, tầm nhìn mờ đột ngột. Tình trạng này thường do các nguyên nhân:
- Chất lượng nước mắt không tốt: Do lão hóa hoặc do một số bệnh lý khiến các lớp mỡ, lớp nước và lớp nhầy của mắt kém chất lượng... làm nước bị bốc hơi quá nhanh, không đủ chức năng bảo vệ cung cấp độ ẩm cho mắt.
- Môi trường: Thường xuyên ngồi trong phòng điều hòa, mắt tiếp xúc với gió lạnh, hanh khô, ô nhiễm môi trường, sử dụng máy tính, điện thoại nhiều... sẽ mỏi mắt, tốc độ bay hơi của nước cao dẫn đến khô mắt.
Nếu không được điều trị, khô mắt có thể gây ra các rủi ro:
- Hội chứng thị giác màn hình: Đây là một cách nói về bệnh khô mắt. Hội chứng này còn gây ra nhiều cảm giác khó chịu khác như đau đầu, mỏi mắt, nhức mắt, khó tập trung…
- Nhiễm trùng mắt: Nước mắt còn có tác dụng bảo vệ mắt khỏi vi khuẩn xâm nhập. Nếu bị khô mắt sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt.
- Trầy xước giác mạc: Do mắt bị khô dẫn đến cảm giác cộm, ngứa khiến người bệnh có xu hướng dụi mắt. Do đó, khô mắt còn ảnh hưởng đến bề mặt giác mạc, làm loét giác mạc và suy giảm thị lực, thậm chí là mù lòa.
- Chất lượng cuộc sống giảm sút: Tình trạng mỏi mắt, suy giảm thị lực, đau đầu... do khô mắt sẽ khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi học tập, làm việc…
Cách phòng khô mắt
Việc chăm sóc mắt để phòng tránh mỏi mắt, khô mắt rất quan trọng để có đôi mắt khỏe đẹp. Theo đó, hằng ngày cần chú ý các vấn đề:
- Vệ sinh đôi mắt: Làm sạch mắt, mi mắt và lông mi, đặc biệt đối với người trang điểm có kẻ mắt, sử dụng mascara. Khi rửa mắt, cần chú ý dùng nước tẩy trang dành cho mi mắt để làm sạch vùng da quanh mắt, mí mắt và lông mi. Lưu ý không để nước tẩy trang rơi vào mắt.
- Làm ấm mắt: Mỗi buổi sáng, tối hoặc khi thấy mắt bị mỏi, hãy xoa lòng bàn tay cho ấm nóng, sau đó đặt lên mắt và cảm nhận hơi ấm từ lòng bàn tay chuyển sang mắt. Thực hiện động tác này từ 5-7 lần sẽ giúp mắt thư giãn hoặc có thể dùng khăn ấm chườm lên mắt để giúp các cơ mắt được thư giãn, giảm căng thẳng và mỏi mắt.
- Bổ sung omega-3: Omega-3 có tác dụng cải thiện chức năng của tuyến meibomian (là các tuyến dầu nhỏ nằm dọc theo lề của mí mắt). Từ đó khiến sự tiết nước mắt được thuận lợi và giảm các triệu chứng khô mắt một cách tự nhiên. Nên ăn nhiều thực phẩm giàu omega-3 như: Cá hồi, cá ngừ, cá thu, dầu cá, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó...
Ngoài ra cần bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D, vitamin B12 và vitamin A. Thiếu các vitamin này cũng liên quan đến hội chứng khô mắt. Các thực phẩm nên bổ sung như: Rau lá xanh đậm, trái cây họ cam chanh, quả hạch, rau củ quả có màu đỏ/vàng/cam, quả kiwi, quả nho...
Uống đủ khoảng 2 lít nước mỗi ngày, hạn chế uống rượu.Cá hồi giàu omega-3
Cá hồi giàu omega-3.
- Ngủ đúng và đủ giấc: Thiếu ngủ khiến mắt tiết ra nhiều nước mắt, lâu dài sẽ dẫn đến khô mắt. Rèn luyện thói quen đi ngủ trước 23 giờ và ngủ khoảng 7 – 8 tiếng mỗi đêm.
- Tạo môi trường sạch: Sử dụng máy phun ẩm trong phòng điều hòa và hạn chế ngồi quá lâu trong môi trường này. Tránh môi trường có khói thuốc lá, đặc biệt là trong phòng kín. Khi đi ra đường nên đeo kính râm bảo vệ mắt.
Theo suckhoedoisong.vn