1. Tác dụng của cỏ mần trầu
Theo các tài liệu Đông y, cỏ mần trầu còn có tên gọi là ngưu cân thảo, tiên ngưu cân… Đây là loại thuốc có vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính mát, đi vào các kinh can, đởm.
Cỏ mần trầu là loại thuốc Nam có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ huyết, bình can tức phong, lợi tiểu tiện. Trong thực tế, cỏ mần trầu thường được ứng dụng trong điều trị các trường hợp tăng huyết áp do can hỏa vượng, sốt nóng do nhiệt độc, cảm mạo phong nhiệt, điều trị tiểu tiện khó, tiểu buốt, tiểu rắt, phối hợp cùng các loại thảo dược khác trong hỗ trợ điều trị chảy máu cam, băng huyết, hỗ trợ điều trị viêm gan, viêm gan virus…
Các nghiên cứu hiện đại cũng chỉ ra trong cỏ mần trầu có chứa nhiều hoạt tính sinh học như các flavonoid, sterol, các alkaloid, saponin, glycosid, terpenoid… và ghi nhận nhiều tác dụng dược lý của cỏ mần trầu.
Cỏ mần trầu mọc dại ven đường có nhiều lợi ích sức khỏe.
Chiết xuất ethanol cỏ mần trầu thể hiện khả năng quét gốc tự do DPPH và NO đáng kể, cho thấy tiềm năng chống oxy hóa và hoạt tính kháng khuẩn mạnh, đặc biệt chống lại trực khuẩn mủ xanh pseudomonas aeruginosa cùng tác dụng kháng nhiều loại virus gây bệnh.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng chứng minh cỏ mần trầu có tác dụng chống viêm và hạ huyết áp nhờ các thành phần flavonoid, alkaloid. Các nghiên cứu trên động vật cũng chỉ ra cỏ mần trầu có tác dụng bảo vệ gan, chống ung thư...
Với các tác dụng dược lý đã được chứng minh, cỏ mần trầu đang được nghiên cứu và ứng dụng trong hỗ trợ điều trị viêm gan, điều trị các tổn thương gan do độc tố, điều trị nhiễm trùng, hỗ trợ điều trị ung thư, tăng huyết áp…
2. Một số cách dùng cỏ mần trầu
2.1 Cỏ mần trầu sắc nước uống giúp giải độc mát gan
Nguyên liệu: 30-50g cỏ mần trầu tươi.
Cách làm: Cỏ mần trầu rửa sạch, cho vào nồi cùng 1 lít nước, sắc nhỏ lửa còn khoảng 700ml, uống 2-3 lần trong ngày.
Nước sắc cỏ mần trầu có tác dụng thanh nhiệt giải độc, mát gan, có thể hỗ trợ hạ huyết áp, giảm nóng trong người, cải thiện tình trạng tiểu buốt, tiểu rắt.
Cỏ mần trầu sắc nước uống.
2.2 Nước ép cỏ mần trầu tươi chữa cảm sốt
Nguyên liệu: 50-100g cỏ mần trầu tươi.
Cách làm: Cỏ mần trầu rửa sạch, xay hoặc giã nhuyễn, vắt lấy nước uống. Có thể pha thêm một chút mật ong cho dễ uống. Đây là loại nước uống tự nhiên rất hiệu quả trong việc hạ sốt, giải nhiệt khi cảm nhẹ, sốt nóng.
2.3 Cỏ mần trầu kết hợp với rau má, chó đẻ răng cưa giúp giải độc gan
Nguyên liệu: 30g cỏ mần trầu tươi, 20g chó đẻ răng cưa tươi, 20g rau má tươi.
Cách làm: Các nguyên liệu rửa sạch, sắc với 1,2-1,5 lít nước, sắc nhỏ lửa còn lại khoảng 600ml, uống 2-3 lần trong ngày.
Chó đẻ răng cưa hay còn gọi là diệp hạ châu là vị thuốc có tính mát, có tác dụng thanh can lợi tiểu, làm mát huyết, sát trùng. Rau má cũng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, giải độc, thông tiểu.
Cỏ mần trầu kết hợp với rau má và chó đẻ răng cưa sẽ cho tác dụng hiệp đồng, có tác dụng hỗ trợ giải độc gan, hạ men gan, hỗ trợ điều trị các trường hợp viêm gan, men gan cao.
2.4 Cỏ mần trầu kết hợp râu ngô, bông mã đề giúp lợi tiểu
Nguyên liệu: 30g cỏ mần trầu tươi, 20g râu ngô, 20g mã đề.
Cách làm: Các nguyên liệu rửa sạch, sắc với 1 lít nước, sắc nhỏ lửa còn khoảng 600ml, uống thay nước.
Râu ngô và bông mã đề là hai vị thuốc dân gian quen thuộc có tác dụng lợi tiểu, khi sử dụng cùng với cỏ mần trầu sẽ tăng thêm công dụng lợi tiểu, hỗ trợ điều trị tiểu không thông, sỏi tiết niệu, tiểu buốt, tiểu rắt đặc biệt là tiểu buốt, rắt do thấp nhiệt.
2.5 Cỏ mần trầu gội đầu giúp tóc chắc khỏe
Nguyên liệu: 100g cỏ mần trầu tươi, 1 vài quả bồ kết, một nắm vỏ bưởi.
Cách làm: Cỏ mần trầu, bồ kết, vỏ bưởi đun với 2 lít nước trong 20 phút, để nước ấm, dùng gội đầu 2-3 lần /tuần. Cỏ mần trầu kết hợp với bồ kết và vỏ bưởi sẽ tạo thành loại nước gội đầu tự nhiên giúp tóc chắc, khỏe, mềm mượt, giảm tình trạng tóc gãy, rụng, kích thích tóc mọc tự nhiên.
Theo suckhoedoisong.vn