Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm B, lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, thường gặp ở trẻ nhỏ và người lớn chưa có miễn dịch phòng bệnh. Phóng viên có buổi trao đổi với Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An – Bác sĩ (Bs.) chuyên khoa II Huỳnh Hữu Dũng xoay quanh việc tiêm phòng căn bệnh này.
PV: Bệnh Bạch hầu nguy hiểm như thế nào thưa bác sĩ?
Bs. Huỳnh Hữu Dũng: Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm B, lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh này hiện đã có vắc xin phòng và có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm như tổn thương các dây thần kinh dẫn đến tê liệt, bàng quang mất kiểm soát, cơ hoành bị tê liệt, nhiễm trùng phổi làm suy hô hấp hoặc viêm phổi, thậm chí tử vong. Các trường hợp tử vong chủ yếu do giả mạc phát triển rất nhanh làm tắc nghẽn đường hô hấp trên hoặc tác hại của độc tố lên tim hoặc hệ thần kinh.
PV: Bác sĩ xin chia sẻ về hiệu quả phòng bệnh của vắc xin Bạch hầu?
Bs. Huỳnh Hữu Dũng: Bệnh Bạch hầu từng là cơn ác mộng trong lịch sử khi gây ra hàng loạt ca lây nhiễm và tử vong trên thế giới. Kể từ năm 1923, khi vắc xin Bạch hầu ra đời, con người đã được bảo vệ hiệu quả trước loại vi khuẩn nguy hiểm này. Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng bệnh Bạch hầu, khi tỷ lệ người dân tiêm ngừa cao, toàn bộ cộng đồng sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh.
Trước đây, tại Việt Nam, dịch bệnh Bạch hầu lưu hành phổ biến ở hầu hết địa phương. Tuy nhiên, từ khi vắc xin phòng bệnh Bạch hầu chính thức được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được kiểm soát và khống chế rõ rệt. Do vậy, trẻ nhỏ cần được tiêm vắc xin Bạch hầu đầy đủ theo Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tại nơi có dịch, cơ quan y tế sẽ triển khai tiêm vắc xin cho trẻ và người dân trên cơ sở đánh giá các yếu tố nguy cơ.
Những năm gần đây Bạch hầu bùng phát trở lại ở nhiều nơi, các ca mắc và tử vong được ghi nhận chủ yếu ở những người chưa tiêm hoặc không tiêm nhắc lại vắc xin phòng bệnh Bạch hầu. Hiệu quả vắc xin Bạch hầu đạt khoảng 97%, miễn dịch có hiệu quả lên đến 10 năm và sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, nếu không tiêm mũi vắc xin nhắc lại sau mỗi 10 năm vẫn có nguy cơ mắc bệnh Bạch hầu.
PV: Thưa bác sĩ, những ai nên phòng ngừa bệnh Bạch hầu này bằng vắc xin?
Bs. Huỳnh Hữu Dũng: Trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi trở lên dần bị mất kháng thể phòng Bạch hầu thụ động từ mẹ nên là một trong những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, cần đi tiêm phòng sớm để phòng ngừa bệnh nguy hiểm này.
Trẻ em dưới 15 tuổi cũng được đánh giá là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh do thường bỏ qua nhiều mũi nhắc quan trọng trong đời, rơi vào “khoảng trống miễn dịch”. Điều này rất nguy hiểm bởi kháng thể trẻ nhận được do được tiêm vắc xin từ nhỏ theo thời gian đã giảm dần, không đủ để chống chọi lại bệnh Bạch hầu nguy hiểm.
Người già có nhiều bệnh nền mạn tính, biến chứng tim, thận,… hoặc người bệnh có sử dụng các phương tiện hỗ trợ trong cơ thể như thay tim nhân tạo, đặt shunt ở não thất, đặt catheter ở tĩnh mạch… cũng cần được tiêm ngừa Bạch hầu.
Ngoài ra, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như phụ nữ có dự định mang thai hoặc đang mang thai, người suy giảm miễn dịch, người sống trong gia đình có người mắc Bạch hầu, người chăm sóc bệnh nhân Bạch hầu … cũng cần tiêm mũi nhắc Bạch hầu.
Người đã nhiễm bệnh bạch hầu sẽ có miễn dịch cả đời. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bị suy giảm miễn dịch sẽ có tỷ lệ tái nhiễm bệnh vào khoảng 2 – 5%.
PV: Chúng ta hiện có những loại vắc xin nào có thể phòng bệnh Bạch hầu thưa bác sĩ?
Bs. Huỳnh Hữu Dũng: Việc tiêm ngừa vắc xin Bạch hầu đầy đủ giúp bảo vệ đến 95% cho người dân trong cộng đồng khỏi nguy cơ mắc bệnh, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, người đã tiêm vắc xin khi mắc bệnh cũng nhẹ và nhanh hồi phục hơn.
Có 4 loại vắc xin bạch hầu cho trẻ em và người lớn gồm: vắc xin 6 trong 1 phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan B, Hib; vắc xin 5 trong 1 phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, Hib, viêm gan B hoặc bại liệt; vắc xin 4 trong 1 phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt; vắc xin 3 trong 1 phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà; vắc xin 2 trong 1 phòng bạch hầu, uốn ván.
Trẻ em từ 2 tháng tuổi đã có thể bắt đầu các tiêm bạch hầu với các mũi tiêm cơ bản lúc 2 – 3 – 4 tháng tuổi và tiêm liều nhắc lại lúc trẻ 16 đến 18 tháng tuổi; 4 đến 7 tuổi; 9 đến 15 tuổi.
PV: Khi có nhu cầu tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh bạch hầu người dân có thể đến đâu để tiêm thưa bác sĩ?
Bs. Huỳnh Hữu Dũng: Trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng của Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ được tiêm ngừa miễn phí tại các Trạm Y tế theo lịch tiêm chủng đã được khuyến cáo. Với trẻ ngoài độ tuổi tiêm chủng mở rộng và người lớn có thể đến Phòng tiêm ngừa của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để tiêm tại số 29 Huỳnh Văn Tạo, phường 3, Thành phố Tân An, tỉnh Long An.
Bà con có thể gọi đến số điện thoại 02723.824723 để được các bác sĩ tư vấn, đặt lịch tiêm hoặc cập nhật thêm thông tin về các loại vắc xin trên facebook Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An. Hiện tại chúng tôi có đầy đủ tất cả các loại vắc xin phòng bệnh theo nhu cầu của người dân với giá thấp hơn các cơ sở tiêm chủng dịch vụ tư nhân.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ.
Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do các chủng vi khuẩn có tên Corynebacteria diphtheriae gây ra.
NGƯƠN KIẾT thực hiện