Ngày 02/4 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về rối loạn này, giúp trẻ tự kỷ sớm được phát hiện, điều trị, được yêu thương nhiều hơn và dễ dàng hòa nhập cuộc sống hơn. Phóng viên có cuộc trao đổi với Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm Thần Long An – Bác sĩ (Bs.) chuyên khoa I. Trần Minh Thư xoay quanh căn bệnh tự kỷ ở trẻ em.
Phóng viên (PV): Bác sĩ vui lòng cho biết thế nào là Bệnh Tự kỷ?
Bs. Trần Minh Thư: Cụm từ Rối loạn phổ tự kỷ, gọi tắt là tự kỷ, không còn xa lạ trong xã hội hiện nay. Đây là một rối loạn xuất hiện sớm trong quá trình phát triển của não bộ, làm khiếm khuyết các kỹ năng giao tiếp, lời nói và phát triển các mối quan hệ xã hội.
Trẻ mắc Tự kỷ biểu hiện bằng sự suy giảm rõ rệt khả năng tương tác – giao tiếp xã hội và các hành vi, sở thích, mối quan tâm,… Đồng thời, trẻ tự kỷ có những vấn đề về hành vi, sở thích, thói quen rập khuôn cứng nhắc, định hình. Trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập với thế giới xung quanh, gây ảnh hưởng đến khả năng thích ứng xã hội và độc lập của trẻ khi trưởng thành.
Theo nghiên cứu mới nhất tháng 3/2022 của Tổ chức Y tế Thế giới, cứ khoảng 100 trẻ thì có 1 trẻ mắc tự kỷ. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể, người ta nhận thấy tỷ lệ trẻ có biểu hiện tự kỷ đến khám tại các cơ sở y tế nhi khoa và chuyên khoa tâm thần tăng lên rõ rệt trong vài năm trở lại đây.
PV: Nguy cơ nào khiến trẻ mắc bệnh tự kỷ thưa bác sĩ?
Bs. Trần Minh Thư: Các nhà nghiên cứu cho rằng có nhiều yếu tố, trong đó tuổi và khoảng cách tuổi của cha mẹ được nhắc đến nhiều.
Một nghiên cứu cho kết quả, nếu người cha trên 50 tuổi thì trẻ sinh ra có khả năng bị tử kỷ cao hơn 66% so với người cha ở độ tuổi 20. Người mẹ trên 40 tuổi hoặc tuổi teen thì con sinh ra cũng dễ bị tự kỷ hơn với tỷ lệ lần lượt là 15%, 18%. Hay khi khoảng cách tuổi giữa cha mẹ lớn hơn 10 tuổi thì cũng làm tăng nguy cơ trẻ bị tự kỷ.
Ngoài ra, yếu tố người mẹ mắc phải một số bệnh lý khi mang thai như: Mẹ nhiễm virus Rubella trong khi mang thai thì có khoảng 7% con sinh ra bị tự kỷ. Hoặc một nghiên cứu cho thấy, nếu phụ nữ mang thai bị sốt trong 3 tháng giữa thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị tử kỷ gấp 40% so với bình thường.
Người mẹ mắc một số loại bệnh trong khi mang thai, gây ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở trẻ như: Bệnh về tuyến giáp gây thiếu hụt Tyroxin, bệnh tiểu đường, thiếu axid folic hay béo phì.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn cho rằng phơi nhiễm với môi trường, không khí ô nhiễm; Môi trường gia đình như: Trẻ ít có cơ hội tiếp xúc với cha mẹ, bạn bè cùng trang lứa, trẻ xem ti vi quá nhiều… cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến trẻ mắc tự kỷ.
PV: Có những dấu hiệu nào giúp nhận biết trẻ mắc tự kỷ thưa bác sĩ?
Bs. Trần Minh Thư: Các triệu chứng liên quan đến tự kỷ có thể được phát hiện rất sớm ngay từ khi trẻ 6 tháng tuổi. Một số các triệu chứng sớm phổ biến cho phép nghi ngờ tự kỷ như:
Một là trẻ ít hoặc hầu như không có các biểu lộ cảm xúc qua khuôn mặt và cử chỉ;
Hai là trẻ ít hoặc hầu như không có giao tiếp mắt với người khác. Trong ngôn ngữ không lời thì "Giao tiếp bằng ánh mắt" để nhận diện trẻ tự kỷ. Trẻ cũng không chơi chung, không đáp ứng khi được gọi tên, khó khăn trong việc chơi đòi hỏi trí tưởng tượng hoặc kết bạn;
Ba là trẻ chậm nói, hay nhại lời, phát âm thanh lạ vô nghĩa, không có hoặc có rất ít ngôn ngữ diễn đạt so với trẻ cùng trang lứa;
Bốn là trẻ mất khả năng ngôn ngữ hoặc bất kỳ kỹ năng xã hội nào đã có trước đó; trẻ nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn.
Năm là trẻ có các hành vi, sở thích, thói quen mang tính chất rập khuôn, lặp đi lặp lại, chỉ tập trung một điểm có tính chất cố định không thay đổi như đi nhón chân, đi xoay tròn, xếp các đồ vật thành hàng dài hoặc chồng cao, thích các đồ vật quay tròn như cánh quạt quay, bánh xe ánh đèn chớp tắt, hay một lổ ánh sáng nhỏ trên mái nhà, khó thích nghi với những thay đổi mới, … Biểu hiện rõ ràng nhất ở trẻ tự kỷ là trẻ luôn tập trung chú ý có thể nhận diện qua khuôn mặt, ánh mắt.
PV: Có thời điểm nào được xem là cột mốc tốt nhất để bắt đầu trị liệu cho trẻ tự kỷ thưa bác sĩ?
Bs. Trần Minh Thư: Tự kỷ là một rối loạn, không phải là bệnh và không lây lan từ người này sang người khác. Vì thế, hiểu đúng về tự kỷ sẽ giúp chúng ta phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp trẻ không bị bỏ lỡ “Thời gian vàng”.
Hai yếu tố then chốt trong việc mang lại hiệu quả can thiệp, hỗ trợ điều trị trẻ tự kỷ chính là trẻ được can thiệp trước 2 tuổi và phụ huynh có kiến thức, biết cách đồng hành cùng con. Bên cạnh đó cộng đồng cũng cần hiểu biết về tự kỷ để từ đó hạn chế sự kỳ thị và áp lực đối với trẻ và gia đình, từ đó giúp nâng cao chất lượng sống.
PV: Khi trong gia đình có trẻ bị tự kỷ thì cha mẹ làm gì thưa bác sĩ?
Bs. Trần Minh Thư: Khi trẻ có những biểu hiện, triệu chứng cần phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì hiệu quả lên đến 50-60%. Hiện nay việc can thiệp cho trẻ tự kỷ rất thuận lợi dễ dàng thông qua các vật dụng, các con vật và âm thanh, hình ảnh,... có tính lập đi lập lại để giúp trẻ nhận diện và ghi nhớ hay còn gọi là liệu pháp can thiệp từ gia đình.
Song song đó, phần lớn khoảng 60% trẻ tự kỷ là trẻ chậm phát triển, vì vậy, can thiệp cho trẻ cần sự kiên nhẫn, hiểu tâm lý trẻ qua ngôn ngữ, anh mắt và điệu bộ của người hướng dẫn và cùng học với trẻ đó là cách thức can thiệp thân thiện và hiệu quả nhất hiện nay.
Việc chăm sóc trẻ tự kỷ cần tình thương và sự kiên trì, thấu hiểu. Cha mẹ hãy xoa dịu con bằn sự quan tâm, bằng lời nói, ánh mắt. Cho con tham gia vào những công việc đơn giản trong gia đình để trẻ có thể làm quen với một số kỹ năng, tăng khả năng phản xạ và kích thích trẻ giao tiếp. Thường xuyên khen ngợi và ghi nhận trẻ bằng nhiều cách như khen ngợi bằng lời, thưởng đồ trẻ thích, ôm trẻ...
Nếu có điều kiện hãy đưa trẻ đi khám và tham gia các buổi trị liệu, các khóa học kỹ năng xã hội để trẻ mau chóng hòa nhập với cuộc sống. Cha mẹ cũng cần học cách chăm sóc trẻ tự kỷ.
Chúng ta có thể tìm mua cuốn tài liệu “Hỗ trợ hành vi tích cực cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ”. Cuốn tài liệu này cung cấp các chiến lược thực tế, hiệu quả, giúp cha mẹ hỗ trợ trẻ khi trẻ có hành vi không phù hợp.
Đặc biệt, nhiều kiến thức và kỹ năng hỗ trợ hành vi được minh họa bằng hình ảnh nên rất dễ hiểu đối với cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Ngoài ra, tài liệu này cũng hữu ích cho giáo viên và những người quan tâm khác.
Cuốn tài liệu được trình bày theo nhiều phần với trình tự logic, giúp cha mẹ hiểu đầy đủ về hành vi không phù hợp của con, chuẩn bị tâm lý bình tĩnh khi con có hành vi không phù hợp, quan sát trẻ để tìm được chức năng hành vi, từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp dựa trên chức năng của hành vi theo các chiến lược có bằng chứng khoa học.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ.
Theo Bác sĩ Trần Minh Thư, trong ngôn ngữ không lời thì "Giao tiếp bằng ánh mắt" để nhận diện trẻ tự kỷ.
THANH BÌNH thực hiện