Trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt nam trong năm 2024, Bộ Y tế đưa ra nhận định về tình hình bệnh truyền nhiễm trong năm 2025.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, trên thế giới, một số bệnh như đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, sốt rét và các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh (sởi, ho gà) có khả năng gia tăng số mắc; nguy cơ xuất hiện các bệnh nguy hiểm, mới nổi, chưa rõ nguyên nhân luôn hiện hữu.
Còn tại Việt Nam, Sốt xuất huyết vẫn là mối thách thức y tế công cộng trên phạm vi toàn cầu với các yếu tố nguy cơ luôn hiện hữu do biến đổi khí hậu, thời tiết trong khu vực nhiệt đới gió mùa là nóng ẩm, mưa nhiều, giao thương, du lịch phát triển, đô thị hóa, di dân gia tăng và sự đa dạng các vật chứa mầm bệnh, kiểm soát véc tơ hạn chế. Tăng cao cục bộ đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng; hạn chế trong quản lý số lượng người lao động tại các công trình tăng cao; chủ quan, lơ là, không thông tin, kịp thời khi có các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch.
Bệnh Tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; tình trạng chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng, bệnh cá nhân khá phổ biến, đặc biệt là với nhóm trẻ em tại các cơ sở giáo dục, nhà trẻ, mầm non nên nguy cơ gia tăng số mắc.
Bệnh Sởi và một số bệnh dự phòng bằng vắc xin tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt bao phủ cần thiết trong khi quản lý đối tượng tiêm chủng vẫn còn hạn chế; có khả năng gia tăng các trường hợp nhập viện.
Bệnh Dại vẫn ghi nhận tử vong ở mức cao do hạn chế trong quản lý đàn chó, mèo, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo thấp; người dân vẫn chủ quan, lơ là khi không tiêm phòng dại và xử trí kịp thời khi bị chó, mèo cắn.
Bệnh nguy hiểm mới nổi, lây truyền từ động vật sang người: Mpox tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc với các biến chủng mới; cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ xuất hiện do vi rút trên gia cầm được phát hiện tại nhiều nơi.
Những khó khăn, tồn tại mà công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang gặp phải là: dịch bệnh vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường và có nguy cơ bùng phát bệnh dịch, bệnh mới nổi, tái nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân, sự biến chủng liên tục của các tác nhân gây bệnh; Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm vắc xin; chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng.
Bên cạnh đó, ý thức phòng bệnh vẫn còn hạn chế, một bộ phận người dân chủ quan, lơ là; hiện tượng chống vắc xin. Hoạt động giám sát, nhận định, dự báo dịch bệnh, năng lực xét nghiệm tại địa phương còn hạn chế. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế có lúc xảy ra cục bộ.
Kinh phí bố trí cho công tác phòng, chống dịch hàng năm hạn chế, chậm, không kịp thời. Nhiều hoạt động y tế dự phòng, kiểm dịch chưa có định mức chi tại địa phương. Phối hợp liên ngành ở cơ sở hạn chế, chưa thường xuyên liên tục; hoạt động phòng, chống dịch chủ yếu do ngành y tế. Chính quyền các cấp ở một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa huy động ban ngành đoàn thể phòng chống dịch.
Không chữa bệnh Dại bằng mẹo dân gian.
Thanh Bình