Công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước, giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, duy trì và phát triển nòi giống, tăng cường sức lao động, học tập, thúc đẩy sự phát triển KT-XH. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an ninh, ATTP còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cộng đồng.
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể được nhiều doanh nghiệp chú trọng thực hiện nhằm bảo vệ sức khỏe công nhân, lao động
Vấn đề hệ trọng
ATTP luôn là vấn đề được các cấp, các ngành và người dân quan tâm đặc biệt. Thời gian qua, mặc dù các cấp chính quyền có nhiều văn bản quy định về bảo đảm ATTP nhưng nhiều vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn xảy ra tại các tỉnh, thành phố trong nước, gây lo ngại cho người dân.
Năm 2023, cả nước ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 2.100 người bị ngộ độc và làm 28 người tử vong, có xu hướng gia tăng so với năm 2022. Gần đây nhất là vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở tỉnh Đồng Nai khiến hơn 550 người phải nhập viện điều trị, trong đó, có một số trường hợp diễn tiến nặng phải lọc máu, thở máy. Trước tình trạng trên, ngày 03/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 44/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng
Chị Nguyễn Thị Tuyết Ngân (phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An) bày tỏ: “Tôi thấy hiện nay trên thị trường có nhiều loại hình kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn, nấu ăn dịch vụ, thức ăn đường phố,... khá tiện lợi vì giúp người nội trợ tiết kiệm được nhiều công sức, tiền bạc cũng như thời gian. Tuy nhiên, dịch vụ này cần được các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, giám sát nhằm bảo đảm ATTP”.
Cũng như các địa phương khác trong nước, tỉnh luôn quan tâm đến công tác bảo đảm ATTP. Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về ATTP có chuyển biến tích cực. Sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm. Nhiều vùng nguyên liệu sạch và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được hình thành.
Bên cạnh kết quả đã đạt, công tác bảo đảm ATTP còn một số hạn chế. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa số có quy mô nhỏ, lẻ, phân tán, hoạt động ngoài giờ, chuyển sang hình thức kinh doanh thương mại điện tử gây khó khăn trong việc truy xuất, quản lý đối với loại hình này. Một bộ phận chủ cơ sở thực phẩm chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi không bảo đảm ATTP,...
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện nghiêm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng
Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP - bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Minh Phúc cho biết: “Nhằm bảo đảm công tác ATTP và hưởng ứng Tháng hành động Vì ATTP năm 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới” diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về ATTP; tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP từ tuyến tỉnh đến cơ sở đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống;... Mục tiêu nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy và chính quyền, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm, đáp ứng ngày càng cao công tác bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”.
"Để công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả, các ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý về ATTP, tạo chuyển biến tích cực trong việc kiểm soát bảo đảm an ninh, ATTP trong chuỗi cung ứng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Trước tình trạng trên cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, các cấp, các ngành cần tích cực triển khai các biện pháp truyền thông về ATTP để nâng cao nhận thức và hành động của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Đoàn thanh, kiểm tra từ tỉnh đến cơ sở tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với việc quản lý, sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiên quyết không để tình trạng buôn lỏng quản lý, vi phạm pháp luật xảy ra, kéo dài;...”.
Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnhvề ATTP-Huỳnh Minh Phúc
|
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.214ha vùng nguyên liệu được chứng nhận VietGAP, nông nghiệp hữu cơ
Thực phẩm là nhu cầu thiết yếu trong đời sống của mỗi người. Việc lựa chọn thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh để bảo đảm sức khỏe luôn là mối quan tâm của toàn xã hội. Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện nghiêm công tác bảo đảm ATTP vì sức khỏe người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Văn Cường - chủ Cơ sở lạp xưởng Mai Vàng (phường 1, TP.Tân An), chia sẻ: “Nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay là sử dụng sản phẩm ngon, bảo đảm ATTP, giá cả hợp lý. Nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm đạt chất lượng, cơ sở chú trọng việc lựa chọn nguồn nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, chất bảo quản. Bên cạnh đó, cơ sở áp dụng quy trình kiểm soát nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào và các khâu sản xuất bảo đảm các quy định về ATTP”.
Sức khỏe của công nhân, lao động là tài sản quý của doanh nghiệp. Nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, doanh nghiệp không chỉ tốn kém chi phí mà còn đình trệ quy trình sản xuất, kinh doanh, thậm chí còn ảnh hưởng cả uy tín, thương hiệu. Vì vậy, công tác bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể được nhiều doanh nghiệp chú trọng thực hiện.
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể được nhiều doanh nghiệp chú trọng thực hiện nhằm bảo vệ sức khỏe công nhân, lao động
Quản lý bếp ăn Công ty TNHH Dinsen, chi nhánh Long An (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) - Phạm Hoàng Việt Hải cho biết: “Công ty tạo điều kiện cho nhân viên bếp tham gia tập huấn ATTP 6 tháng/lần. Song song đó, quản lý bếp thường xuyên cập nhật kiến thức về ATTP cho nhân viên, người lao động. Đối với nhân viên bếp khi mới tuyển dụng, chúng tôi tổ chức tập huấn về ATTP, khám sức khỏe, có kế hoạch đào tạo để đáp ứng công việc. Hưởng ứng Tháng hành động Vì ATTP năm 2024, công ty đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức về ATTP cho công nhân, lao động như cách lựa chọn, sơ chế, bảo quản thực phẩm”.
Để bảo đảm ATTP, yếu tố tiên quyết cần đặc biệt quan tâm là nguồn gốc thực phẩm và quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc thanh, kiểm tra thì mỗi người dân, đơn vị cần chủ động lựa chọn nhà cung cấp uy tín, bảo đảm lương thực, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng./.
"Nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn huyện, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm về lĩnh vực kinh doanh ATTP; thẩm định phải đạt các yêu cầu đúng theo quy định, xử lý nghiêm đối với những cơ sở không thực hiện đúng quy định pháp luật; tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đối với những sản phẩm mà cơ sở cung cấp ra thị trường”.
Quyền Chủ tịch UBND huyệnCần Đước-Đào Hữu Tấn
|
Theo baolongan.vn